|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản giành giật cơ hội trước thềm FTA với EU

08:18 | 22/08/2016
Chia sẻ
Trong khi cửa xuất khẩu vào Mỹ hẹp đi do kiểm soát chất lượng và thường xuyên bị rà soát về thuế phá giá, thì Hiệp định VN-EAEU FTA vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với DN thủy sản niêm yết.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực vào tháng 10 tới đây, khi đó mặt hàng thủy sản Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0%.

Đã có không ít doanh nghiệp (DN) thủy sản niêm yết rục rịch đầu tư vào EU và Nga từ nhiều năm nay.

Mạnh tay tiếp cận thị trường châu Âu và Nga nhất có lẽ là Hùng Vương (HVG). Thị trường châu Âu chiếm đến 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty.

HVG đã cho thành lập liên doanh ở Nga với vốn 30 triệu USD, Công ty góp 60%. Vào tháng 7 vừa qua, HVG chi 15 triệu USD để mua lại 51% vốn của Russian Fish Joint Stock Company của Nga, DN phân phối cá đứng đầu ở Nga với hơn 5% thị phần.

Động thái này nhằm quản lý được thị trường bán buôn, sản xuất, HVG có thể vào Nga dễ dàng hơn. Kỳ vọng 2016 sẽ đạt doanh thu 24,000 tỷ đồng, lãi trước thuế 500 tỷ đồng

9 tháng đầu năm 2016, HVG đạt doanh thu 14.936 tỷ đồng, tăng 27% cùng kỳ; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 244 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Công ty con Việt Thắng (VTF) của HVG cũng mới cho đi vào hoạt động dây chuyền sản xuất thức ăn cá công nghệ châu Âu vào đầu năm nay, kho hàng lên đến 120.000 tấn.

Thủy sản Sao Ta (FMC), công ty con hỗ trợ đắc lực cho HVG mảng tôm cũng đẩy mạnh vào EU. Giai đoạn 2013-2015, tỷ trọng vào EU của FMC đã tăng từ 2% lên gần 15%, trong khi các thị trường khác đều giảm.

doanh nghiep thuy san gianh giat co hoi truoc them fta voi eu
Cơ cấu thị trường xuất khẩu của FMC. Nguồn: BSC

Năm 2015, FMC đã chen chân vào hệ thống bán hàng cao cấp tại EU. Lãnh đạo FMC cho hay, EU từng là thị trường xuất khẩu chủ lực của Thái Lan nhưng hiện đã mất ưu thế do hết ưu đãi về thuế quan.

FMC có được vùng nuôi riêng 160 ha đạt chuẩn BAP, ASC nên tiếp cận thị trường EU với giá bán tốt. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh vào thị trường này, kế hoạch doanh thu 2016 sẽ đạt 3,375 tỷ đồng và lãi trước thuế 110 tỷ đồng.

Riêng nửa đầu năm, FMC ghi nhận doanh thu 1.182 tỷ đồng, giảm 4% cùng kỳ. Lãi sau thuế 36 tỷ đồng, tăng 13%,

Đối với vua tôm Minh Phú (MPC), thị trường châu Âu và Nga năm qua chiếm khoảng 10%, đạt 53 triệu USD, đứng thứ tư trong tổng kim ngạch xuất khẩu của MPC.

Thị trường Mỹ là chủ lực nhưng kết quả lỗ 7 tỷ đồng trong năm 2015 đã phản ánh yếu tố chất lượng thủy sản vào Mỹ bị kiểm soát gắt gao, giá tôm giảm do phá giá đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Indonesia.

Qua đó, năm 2016, Công ty có kế hoạch mở rộng sang Nga và Trung Quốc, kỳ vọng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 687 triệu USD, doanh thu trên 16.300 tỷ đồng và lãi sau thuế 546 tỷ đồng.

Nửa đầu năm, MPC đạt doanh thu 4.716 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh thuần chịu lỗ gần 36 tỷ đồng. Nhờ thu nhập khác từ thuế chống bán phá giá được hoàn mà Công ty lãi được 20 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Đối với Vĩnh Hoàn (VHC), thị phần châu Âu đã tăng lên 15% toàn ngành, đạt 295 triệu USD trong năm qua, đồng thời chiếm 20% tổng thị trường xuất khẩu của VHC.

VHC đánh giá châu Âu là phân khúc cao cấp nên khi giá đầu vào giảm, giá bán tại đây giảm rất ít hoặc tăng. Điều này minh chứng trong bối cảnh giá cá tra Việt Nam năm qua đều giảm thì giá bán sản phẩm cao cấp vào châu Âu của VHC vẫn tăng 0,5% so với 2014.

Mặt khác, sản phẩm có biên lợi nhuận cao collagen của VHC đã đạt chứng chỉ xuất khẩu vào EU từ năm nay. Kế hoạch 2016 của VHC có doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 7.676 và 350 tỷ đồng.

Nửa đầu năm, VHC đạt doanh thu 3.681 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ. Lãi sau thuế 325 tỷ đồng, tăng 70% và thực hiện được 93% kế hoạch năm.

Dù không chiếm tỷ trọng nhiều, khoảng 1,2 triệu USD, tương ứng 1,5% tổng thị phần, EU vẫn nằm trong chiến lược dài hạn của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (IDI).

Sản phẩm của IDI đã được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cấp chứng nhận tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU. Ngoài giữ vững thị trường EU thì việc mở rộng sang Nga, Đông Âu cũng được IDI chú trọng.

Kế hoạch 2016 doanh thu dự kiến 3.445 tỷ đồng và lãi sau thuế 142 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm doanh thu tăng trưởng 70%, đạt 1.900 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 76 tỷ đồng, tăng 13%.

Cách đây vài ngày, Nafiqad đã có công văn việc việc tạm ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU được sản xuất tại cơ sở bị EU cảnh báo chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh.

Điều này cho thấy, cánh cửa VN-EAEU FTA mở ra nhưng sẽ có sự chọn lọc kỹ càng hơn. HVG thừa nhận, các các hiệp định thương mại tạo điều kiện thuận lợi nâng cao kim ngạch xuất khẩu, dòng vốn đầu tư và nguồn lực lao động. Tuy nhiên không phải tất cả đều được hưởng lợi, cơ hội chỉ mở ra cho những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, chuẩn bị và đầu tư bài bản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể tăng 6,3% trong năm 2016, đạt 7,12 tỷ USD. Riêng trong 7 tháng đầu năm, mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu đạt 3,69 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ 2015, thống kê Cục Hải quan cho hay.

Tiến Vũ