|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép trước áp lực giảm cầu – giảm giá

22:30 | 23/04/2023
Chia sẻ
Trong trường hợp xấu, tình trạng "ảm đạm" của thị trường thép có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm 2023

Sản phẩm thép xây dựng tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cung ứng ra thị trường.(Ảnh: Danh Lam – TTXVN).

Dù bức tranh kết quả kinh doanh quý I của nhóm doanh nghiệp thép chưa rõ ràng, song giới phân tích nhận định, tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp này đang chịu áp lực từ giảm cầu – giảm giá khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục biến động và nhu cầu thép yếu.

Riêng tháng 4, thị trường chứng kiến nhiều lần giá thép giảm liên tiếp. Tại thời điểm giữa tháng, giá thép trên thị trường chỉ quanh mốc 15-16 triệu đồng/tấn.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép giảm do tác động của giá nguyên vật liệu trên thế giới khi giá nguyên liệu đầu vào cao bao gồm than cốc và thép phế.  Cùng với đó, nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, nhất  ở các khu vực Mỹ, EU và Trung Quốc chưa thấy tín hiệu kiểm soát được lạm phát, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép trong nước sụt giảm mạnh khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho.

"Hầu hết hoạt động sản xuất thời gian qua của doanh nghiệp gặp khó khăn, cán cân cung - cầu ngành thép hiện tại vẫn chưa thực sự có thay đổi nhiều. Trong trường hợp xấu, tình trạng "ảm đạm" của thị trường có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm 2023", đại diện VSA nhận định.

Mặt khác, Giám đốc khối phân tích Vndirect Nguyễn Thị Khánh Hiền cho rằng, nhu cầu "ảm đạm" kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa cũng tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023.

Giám đốc khối phân tích Vndirect dự báo, dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng tăng tốc trong những quý tới, song tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2023 có thể giảm 9,2% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn.

Báo cáo ngành thép mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VBSC) cũng chỉ ra rằng, thị trường xây dựng bất động sản chiếm 60% nhu cầu thé đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu.

Hiện nay, số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ COVID-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 thấp kỷ lục cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức yếu. Đây cũng là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép trong thời gian tới.

Tuy vậy, giới phân tích cũng như các chuyên gia tỏ ra lạc quan đối với tăng trưởng của ngành này trong dài hạn. Theo đó, quá trình giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản dân dụng.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Đoàn Danh Tuấn đánh giá, với các nỗ lực về tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, gói vay tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, đồng thời tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với mặt bằng chung trên thế giới, thị trường thép nhiều khả năng sẽ phục hồi trong quý III -  IV năm nay.

Đứng trước thách thức về lượng tiêu thụ thép thời gian này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh để gia tăng lợi nhuận. Như Tập đoàn Thép Hòa Phát đang phát triển mảng bất động sản với kết quả tích cực khi các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy gần như toàn bộ diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Theo Báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố, năm 2023, Tập đoàn Thép Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, tập đoàn này sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả khu công nghiệp hiện có.

Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn Thép Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Hiện các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được tập đoàn này nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

Dù vậy, Công ty Chứng khoán Vndirect vẫn nhận định khá thận trọng đối với lợi nhuận ròng ngắn hạn của Tập đoàn Thép Hòa Phát trong quý I/2023.

Theo chuyên viên phân tích Vndirect Trần Bá Trung: "Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), chúng tôi ước tính biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của HPG trong quý 1/2023 thấp hơn 1,8 điểm % so với quý 4/2022. Với nhu cầu yếu, chúng tôi lo ngại về khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của HPG sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của Công ty. Do đó, chúng tôi dự phóng lợi nhận ròng của HPG có thể vẫn sẽ âm trong quý I/2023".

Trước đó, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 3 của Tập đoàn Thép Hòa Phát đạt 500.000 tấn, tăng 5% so với tháng 2. Song lũy kế quý I/2023, Tập đoàn Thép Hòa Phát đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.

Ở diễn biến khác, Tập đoàn Thép Tiến Lên ghi nhận khoản đầu tư ngoài ngành không mấy khả quan khi khoản lỗ đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp này lên tới 55%. Đây cũng là doanh nghiệp thép đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I/2023.

Theo đó, khoản đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp này gần 90 tỷ đồng theo giá gốc nhưng tại thời điểm cuối quý I chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng.

Việc lỗ đầu tư chứng khoán cùng với chi phí lãi vay cao đã đẩy chi phí tài chính trong quý I/2023 tăng lên 13%, trong khi doanh thu tài chính giảm 85% khiến  lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Thép Tiến Lên còn 6 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường niêm yết, đóng cửa phiên cuối tuần 21/4, cổ phiếu  HPG của Tập đoàn Thép Hòa Phát có giá 20.700 đồng, TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên có giá 6.820 đồng, NKG của Công ty Thép Nam Kim có giá 14.150 đồng, HSG của Tập đoàn Tôn Hoa Sen có giá 14.950 đồng/đơn vị.

Diệp Anh