Doanh nghiệp thép mừng lo lẫn lộn sau năm 'vàng' 2016
Thống kê từ hơn 10 doanh nghiệp thép đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tổng doanh thu năm 2016 đạt 96.810 tỷ đồng, tăng trưởng gần 14% so với năm 2015. Đáng chú ý là lợi nhuận ròng đạt gần 10.180 tỷ đồng, tăng trưởng đến 163%.
Nguyên nhân xuất phát phần lớn từ việc giá và nhu cầu nguyên liệu thép tăng cao, bên cạnh đó là ngành thép trong nước được bảo hộ trước sức ép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những con số kỷ lục
Xét về số tuyệt đối, đứng đầu là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) doanh thu chiếm 34% và lợi nhuận chiếm 65% trong hơn 10 doanh nghiệp khảo sát. Năm qua, HPG tăng mạnh sản lượng thép xây dựng và ống thép. Doanh thu và lợi nhuận đạt kỷ lục kể từ khi niêm yết (2007), lần lượt là 33.283 tỷ và 6.602 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% về doanh thu và gần 90% về lợi nhuận.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của các doanh nghiệp thép niêm yết. (Ảnh: Tiến Vũ). |
Tăng trưởng lợi nhuận năm 2016 của các doanh nghiệp thép. (Ảnh: Tiến Vũ). |
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng không thua kém khi lượng tiêu thụ thép cả năm trên 1,2 triệu tấn, đưa doanh thu lên đến 17.890 tỷ đồng; lợi nhuận kỷ lục 1.500 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Quy mô của HSG đạt con số 250 chi nhánh trên cả nước và dự kiến cuối năm 2018 sẽ là 500 chi nhánh.
Thép Nam Kim (NKG) cũng công bố lãi kỷ lục sau hơn 10 năm niêm yết với 520 tỷ đồng. Thép Pomina (POM) cùng Công nghiệp Tung Khang (TKU) có mức tăng trưởng lợi nhuận gấp hơn 10 lần, đạt lần lượt 302 và 92 tỷ đồng.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà các doanh nghiệp trên có lãi tăng đột biến. Đối với NKG, dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động ổn định và hiệu suất tối đa, công ty đẩy mạnh xuất khẩu và tăng thị phần trong nước. TKU giảm mạnh chi phí tài chính và chi phí khác. Thành quả của POM nhờ vào thị trường bất động sản phục hồi.
Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu VietinbankSc từng nhận xét, thép thế giới tụt dốc trong giai đoạn 2014-2015 đã ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Đến quý II/2016 giá thép phục hồi cùng với thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực, 2 yếu tố cộng hưởng này giúp cải thiện lợi nhuận các doanh nghiệp thép.
Điều này cũng lý giải phần nào việc nhiều doanh nghiệp lỗ nặng trong năm 2015 thì đến 2016 lãi đậm. Điển hình như Tập đoàn Thép Tiến lên (TLH) và Đầu tư Thương mại SMC (SMC), từ lỗ hơn trăm tỷ đồng thì 2016 lãi lần lượt 457 và 362 tỷ đồng, mức cao nhất từ khi niêm yết của cả hai doanh nghiệp.
THL thắng lớn nhờ nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu và giá thép thị trường thế giới tăng. Công ty nhập hàng tồn kho từ trước với giá thấp nên đã có được mức chênh lệch khi bán ra, đưa lợi nhuận tăng một cách đột biến. Diễn biến này cũng tương tự đối với SMC.
Công ty Đại Thiên Lộc (DTL) cũng không ngoại lệ khi hưởng lợi từ giá tôn – thép trên thị trường, kết quả kinh doanh từ lỗ trên 60 tỷ nay lãi hơn 160 tỷ đồng.
Thép Việt Ý (VIS) cũng từ lỗ hơn 50 tỷ nay lãi 75 tỷ đồng. Theo lý giải của VIS, thời điểm cuối năm 2016 thị trường bất động sản sôi động, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, nhà máy phôi thép của VIS hoạt động tối đa công suất. Công ty còn chủ trương tìm các nhà cung cấp có giá cạnh tranh để mua bán vật tư nên kết quả kinh doanh tăng vượt bật.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp thép
Trong một hội thảo về ngành thép cuối năm ngoái, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam từng chia sẻ giá thép và nguyên liệu thép đã xuống mức đáy cuối năm 2015 và bắt đầu hồi phục trở lại từ tháng 5/2016.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận xét năm 2016, giá thép xây dựng được phục hồi bởi thuế tự vệ bổ sung lên đến 15% đối với giá thép thanh và 24% với phôi thép nhập khẩu, làm giảm lợi thế cạnh tranh thép Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiêp trong nước tăng giá. Ngoài ra, giá ống thép tăng do nhu cầu ngành công nghiệp và công trình xây dựng đi vào giai đoạn hoàn thiện.
(Nguồn: VCBS). |
Mặt khác, ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành hết công suất trong khi sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng mạnh. Với tốc độ tăng trưởng ngành dự báo ở mức 15% trong 5 năm tới, cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp thép Việt còn rất lớn.
Thị trường xây dựng tiếp tục sôi động trong điều kiện đang được bảo hộ bằng thuế tự vệ cho tới năm 2020, VCBS cho rằng, ngành thép nội địa vẫn còn tiềm năng để có thể giành thị phần trong nước.
(Nguồn: VCBS). |
(Nguồn: VCBS). |
Tuy nhiên thách thức vẫn hiện diện khi giá nguyên liệu tăng, giảm phức tạp và chưa cho thấy xu thế ổn định trở lại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cùng lãnh đạo Công ty SMC nhìn nhận.
Một yếu tố quan trọng khác là cam kết về thuế quan của các Hiệp định tự do thương mại (FTA). Thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam dao động từ 0,69% đến 7,55% trong giai đoạn 2015 - 2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt sẽ ngày càng lớn.
Năm 2017, HPG dự kiến doanh thu tăng 12% lên 38.000 tỷ đồng; trong khi lợi nhuận giảm 24%, ước 5.000 tỷ đồng. Đại hội cổ đông của HSG đã thông qua kế hoạch niên độ tài chính 2016 -2017 với doanh thu 23.000 tỷ và lợi nhuận 1.650 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 10%. |