|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả số lượng lẫn qui mô trong tháng 8

12:18 | 31/08/2020
Chia sẻ
Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 đạt đến 21,6 tỉ đồng, tăng 18,9% so với tháng trước và tăng 59,2% so với cùng kì năm 2019. Dù vậy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cũng tăng nhanh trong tháng.

Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), dịch COVID-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lí cộng đồng doanh nghiệp. 

Trong tháng 8/2020, cả nước có 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng kí là 288,8 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng kí là 96,3 nghìn lao động, tăng 1,5% về số doanh nghiệp, tăng 20,7% về vốn đăng kí và tăng 5,4% về số lao động so với tháng trước. 

Đáng chú ý, vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt đến 21,6 tỉ đồng, tăng 18,9% so với tháng trước và tăng 59,2% so với cùng kì năm 2019. 

Trong tháng, cả nước còn có 4.775 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 200,9% so với cùng kì năm 2019.

Dù vậy, báo cáo của GSO cũng cho thấy, trong tháng 8 cũng chứng kiến lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái. 

Trong đó, có 3.102 doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 8% so với tháng 7 và tăng 158,5% so với cùng kì năm 2019; có 3.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,6% và tăng 63,4%; có 1.416 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5,9% và tăng 9,3%; có 3.917 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí, giảm 14,7% và tăng 134,4%.

Tính chung 8 tháng, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 1.225 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 694,9 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, tăng 6,5% về vốn đăng kí và giảm 16,5% về số lao động so với cùng kì năm trước. 

Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,8 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.993 nghìn tỉ đồng vốn đăng kí tăng thêm của 26,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là 3.218 nghìn tỉ đồng, tăng 16,8% so với cùng kì năm trước. 

Bên cạnh đó, còn có 32,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,9% so với 8 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên 121,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kì năm trước, trung bình mỗi tháng có gần 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày càng nhiều

Theo khu vực kinh tế, 8 tháng năm nay có 1.697 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 30% so với cùng kì năm trước; có hơn 26,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,7%; có 60,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 6,3%.

Một số ngành, lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng trở lại như: Sản xuất phân phối điện, nước, gas có 3.394 doanh nghiệp, tăng 247% so với cùng kỳ năm trước; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 7.724 doanh nghiệp, tăng 1,9%; khai khoáng 454 doanh nghiệp, tăng 1,1%. 

Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 29,3 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 11,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 11,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 3,2%; vận tải, kho bãi 3.633 doanh nghiệp, giảm 4,9; thông tin truyền thông 2.506 doanh nghiệp, giảm 2,1%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 597 doanh nghiệp, giảm 2,3%.

Nhóm doanh nghiệp có số thành lập mới sụt giảm nhiều nhất bao gồm nhóm dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị 4.537 doanh nghiệp, giảm 14%; kinh doanh bất động sản 4.331 doanh nghiệp, giảm 19,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 3.433 doanh nghiệp, giảm 20,3%; giáo dục và đào tạo 2.355 doanh nghiệp, giảm 13,2%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 865 doanh nghiệp, giảm 9,9%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 584 doanh nghiệp, giảm 36,7%.

Trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kì năm trước; 24,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 5,9%; 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,9%, trong đó có 9,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, giảm 3,8%; 168 doanh nghiệp có qui mô vốn trên 100 tỉ đồng, tăng 11,3%. 

Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.175 doanh nghiệp; xây dựng có 897 doanh nghiệp; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 3,8 nghìn doanh nghiệp.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 620 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 566 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 431 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 396 doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong 8 tháng, trên cả nước còn có 30,6 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí, tăng 39,3% so với cùng kì năm trước.

Hoàng Trung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.