|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, thành lập mới tăng thấp

15:55 | 03/09/2018
Chia sẻ
 Trong khi lượng doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng tăng chậm lại thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại trên đà tăng rất cao.
doanh nghiep ngung hoat dong tang cao thanh lap moi tang thap

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 8 này, cả nước có 11.655 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 107,6 nghìn tỉ đồng, chỉ tăng 3,5% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng này chỉ đạt 9,2 tỉ đồng, giảm 14,9%; và tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập là 111,2 nghìn người, giảm 3,3%.

Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng doanh nghiệp thành lập sụt giảm so với tháng trước đó. Trong tháng 7, số doanh nghiệp được thành lập là 11.262 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 122.097 tỉ đồng, giảm 7,8% về số doanh nghiệp và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với tháng 6.

Tính chung 8 tháng, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỉ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, so với 3 năm trước đó thì lượng doanh nghiệp thành lập trong 8 tháng đầu năm nay có xu hướng tăng chậm lại khá nhiều.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành với nhiều cải tiến về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, và tạo cơ chế thông thoáng cho nhiều bộ phận có thể tham gia kinh doanh, thì số doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 ngay lập tức đã tăng 26,6% và số vốn đăng ký mới tăng 39,1% so với năm trước đó.

Bước sang năm kế đó, cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỉ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đây cũng là năm đầu tiên ở Việt Nam đánh dấu có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập trong một năm.

Và năm ngoái, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỉ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2017 đạt 10,2 tỉ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tình hình trong 8 tháng qua cho thấy lượng doanh nghiệp thành lập không còn tăng cao như 3 năm trước đó.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng năm 2018 là 63.235 doanh nghiệp, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 21.575 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,2% và 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 45,9%.

Như vậy, lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm nay tương đương với hơn 72,3% tổng lượng doanh nghiệp thành lập trong cùng thời gian. Đây được xem là mảng tối trong bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm nay.

Bởi lẽ tính ra, cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có khoảng 7 doanh nghiệp thành lập trước đó rời bỏ thị trường. Điều này, theo các chuyên gia, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là rất khó thành hiện thực, trong khi muốn phát triển kinh tế thì phải dựa vào doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa.

Giới quan sát nhận định doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ đi, năng lực còn nhiều hạn chế và không tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đáng chú ý, liên tục trong bốn năm liền (2014, 2015, 2016 và năm 2017), khối các doanh nghiệp trong nước liên tục bị lép vế so với khối doanh nghiệp ngoại như doanh nghiệp trong nước triền miên nhập siêu; tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu giảm dần,...

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm là 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8.357 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm 91,5% và tăng 16,9%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong 8 tháng qua, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ở hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 8.500 doanh nghiệp (chiếm 39,2%), tăng 24%; 3.300 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 15,1%), tăng 25,3%; 2.700 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,5%), tăng 19,8%; 1.200 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,4%), tăng 29,7%...

Đối với các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 14.800 doanh nghiệp (chiếm 35,5%), tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; 5.800 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14%), tăng 49,4%; 5.100 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,2%), tăng 57,8%; 2.400 doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,7%), tăng 71,5%; 2.400 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,8%), tăng 79,8%...

Hùng Lê