Doanh nghiệp sản xuất dè chừng vì thiếu nguyên liệu, đầu ra biến động
Ngay đầu năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đứng ngồi không yên khi phải cắt giảm sản xuất do khan hiếm nguyên liệu để chế biến, đầu ra còn nhiều biến động, theo báo Tiền Phong.
Ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp Hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi cho biết tỉnh mới bước vào đầu mùa khai thác gỗ keo, nhưng nhiều hộ dân, chủ rừng đang dừng khai thác do giá thu mua liên tục giảm.
Trong khi chi phí vận chuyển, phát sinh tăng theo giá xăng nên các chủ rừng “đóng cửa” chờ giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó thu mua được gỗ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
“Giá thu mua xuống thấp khiến nhiều nhà máy không thể thu mua được nguyên liệu để chế biến dăm gỗ nên sản lượng trong 3 tháng đầu năm thấp hơn năm ngoái. Ngành chế biến dăm gỗ của tỉnh cũng đìu hiu chưa từng có. Nếu kéo dài, sắp tới hàng xuất khẩu cũng sẽ giảm mạnh”, ông Nị cho biết.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Trúc, Tổng Giám đốc CTCP Nhất Nam cho biết, doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục thì gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào khiến sản xuất bị chững lại.
Hiện, doanh nghiệp vừa phải tìm nơi cung cấp nguyên liệu thay thế, vừa đối mặt tình trạng giá nguyên liệu tăng phi mã.
“Trong tháng 4 nguồn gỗ dự trữ của chúng tôi vẫn còn để sản xuất, nhưng qua tháng 5, và tháng 6, khi gỗ nguyên liệu dự trữ tại các nhà máy hết, chắc chắn phải nhập khẩu số lượng lớn và giá có thể bị đẩy lên. Đến nay, nhà máy của công ty buộc phải thu hẹp sản xuất”, bà Trúc nói.
Việc thiếu nguyên liệu không phải là câu chuyện riêng của ngành gỗ, ngành điều cũng đang chật vật với bài toán này và nguy cơ khó đạt được mục tiêu xuất khẩu.
Cụ thể, đầu vụ năm nay, giá thu mua hạt điều tươi đạt khoảng 28.000 đồng/kg nhưng vào thời điểm chính vụ hiện nay, giá chỉ còn khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Long Sơn cho biết: “Trong bối cảnh, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao, giá hạt điều tươi giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của gia đình trồng điều.
Nhiều hộ có thể chặt phá, chuyển đổi sang cây khác như từng xảy ra trong mùa vụ 2018, dẫn tới có thể thiếu nguồn cung trong vụ tới”.
Ngoài ra, vụ thu hoạch điều vào mùa mưa dẫn tới một số doanh nghiệp không đủ sân để phơi, lượng thu mua giảm so với mọi năm. Cùng với đó, việc xuất khẩu điều nhân còn gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp sản xuất dè chừng.
Trước bài toán đầu vào khan hiếm, đầu ra gặp trở ngại, ông Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT “xin” giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều năm nay từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD.
Theo ông Công, đầu năm 2022, ngành điều tỏ ra rất lạc quan rằng sẽ tiếp nối một năm bội thu khi xuất khẩu điều năm ngoái đạt mức kỷ lục 3,6 tỷ USD trước sự hồi phục từ các thị trường.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang khiến nhu cầu nhập hàng từ các đối tác ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng trong khi đây là thị trường tiêu thụ 35% sản lượng xuất khẩu điều của Việt Nam.
“Chúng tôi không thể đoán trước được những rủi ro trong tương lai nên việc điều chỉnh trong bối cảnh này là cần thiết để phù hợp với thực tế. Nếu đến giữa năm 2022, tình hình thế giới ổn định, Vinacas sẽ có đánh giá lại”, ông Công nói.