|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp nội bứt phá trong cuộc đua M&A BĐS cùng khối ngoại

10:50 | 05/09/2019
Chia sẻ
Vị thế của doanh nghiệp trong nước ngày càng được nâng lên và đã thực sự trở thành những đối thủ cạnh tranh nặng kí với doanh nghiệp ngoại, tạo thành đối trọng với khối ngoại trong cuộc đua M&A BĐS tại Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản (BĐS), các "ông lớn" nước ngoài vẫn luôn lấn lướt bởi lợi thế vượt trội về tiềm lực tài chính. Những thương vụ M&A "khủng" nhất thị trường thường do khối ngoại bỏ tiền ra mua vào cổ phần hoặc các dự án của chính doanh nghiệp trong nước để mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.

Tuy nhiên thời gian gần đây, khối doanh nghiệp trong nước cũng đang dần khẳng định được vị thế của mình khi xuất hiện ngày càng nhiều trong các thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám nhất toàn thị trường với vai trò là bên mua hoặc đối tác hợp tác đầu tư của doanh nghiệp ngoại, thay vì là bên bán như trước đây.

Doanh nghiệp nội dần trở thành đối trọng với khối ngoại trong cuộc đua M&A BĐS

Trong báo cáo mới đây của JLL điểm danh 4 thượng vụ M&A nổi bật của thị trường địa ốc trong nửa đầu năm. Một trong số 4 thương vụ là Nam Long đứng ra mua dự án từ đối tác ngoại; còn 3/4 thương vụ là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng hợp tác phát triển dự án.

Cụ thể, vào tháng 1, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) đã công bố mua lại 70% cổ phần của Công ty Portsville Pte.Ltd. (thuộc Keppel Corporation Limited của Singapore) trong Công ty TNHH Thành phố Waterfont Dong Nai.

Thương vụ này có giá trị hơn 2.300 tỉ đồng. Từ đây, Nam Long sẽ nắm quyền phát triển 170 ha đất của dự án Dong Nai Waterfront City.

khu-do-thi-waterfront-1024x576-15638696296331358001099

Phối cảnh dự án Dong Nai Waterfront City. (Nguồn: akari.com.vn)

Ba thương vụ còn lại được kể đến đều là những "cái bắt tay" hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác ngoại. Đầu tiên là cuộc hợp tác giữa Công ty Lotte E&C (thành viên của tập đoàn Lotte) với CTCP Đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát.

Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai bên được kí trong tháng 1 năm nay. Báo chí thông tin, khoản đầu tư của Lotte E&C sẽ được rót vào một dự án tại quận 7 mà Hưng Lộc Phát sắp giới thiệu ra thị trường trong năm 2019.

Tương tự, Lotte Land cũng liên doanh với tập đoàn FLC để phát triển một dự án 6,4 ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hai bên liên kết thành lập một pháp nhân mới là CTCP Lotte FLC vào tháng 6, trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Khu đất 6,4 ha nói trên chính là khu đất mà FLC đã trúng đấu giá từ năm 2017 khi chi ra đến 860 tỉ đồng – mức giá cao gần gấp 3 lần giá khởi điểm khi đó là 320 tỉ đồng.

Gần đây nhất là sự hợp tác của tập đoàn Keppel Land (thông qua công ty thành viên Monestine Pte/ Ltd.) với CTCP Địa ốc Phú Long. Hai bên đã kí thỏa thuận mua 60% cổ phần trong ba lô đất tổng diện tích 6,2 ha tại huyện Nhà Bè, TP HCM.

Với thỏa thuận này, Keppel Land đã thể hiện mục đích muốn nhắm đến thị trường địa ốc khu Nam Sài Gòn, sau khi đã phát triển loạt dự án tại khu Đông. Còn với Địa ốc Phú Long, đây là lần đầu công ty hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, với tiềm lực tài chính ngày càng lớn mạnh cùng định hướng vươn xa hơn, nhiều "ông lớn" địa ốc của Việt Nam đã mạnh tay mua vào cổ phần, những dự án, quĩ đất "khủng" từ doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời, với lợi thế của doanh nghiệp bản địa, nắm giữ nhiều thông tin, kinh nghiệm phát triển dự án trong nước, bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp Việt trở thành lựa chọn phổ biến của các "đại gia" nước ngoài khi muốn thâm nhập và mở rộng hoạt động, phát triển tại thị trường BĐS Việt Nam.

Vị thế của doanh nghiệp trong nước vì thế ngày càng được nâng lên và đã thực sự trở thành những đối thủ cạnh tranh nặng kí với doanh nghiệp ngoại, tạo thành đối trọng với khối ngoại trong cuộc đua M&A BĐS tại Việt Nam.

Để thâm nhập thị trường, doanh nghiệp ngoại thường "bắt tay" với đối tác trong nước

Từ những tháng đầu năm 2019 đến nay, thị trường địa ốc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM rơi vào trầm lắng do chủ trương siết thủ tục pháp lí trong lĩnh vực BĐS.

Không ít dự án gặp khó trong việc xin chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng… Nhiều doanh nghiệp vì thế đã chuyển hướng thành bán đứt toàn bộ dự án, hoặc mua gom quĩ đất lớn để chờ phát triển thành dự án mới khi thị trường rục rịch trở lại.

M&A vì thế cũng có thể được xem là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp phá thế khó của mình trong bối cảnh thị trường hiện tại. Ở góc độ vĩ mô, các hoạt động M&A cũng giúp phá băng, vực dậy thị trường BĐS hiện tại.

viber_image_2019-07-08_10-25-44

M&A là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp phá thế khó của mình trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng. (Ảnh: Hiếu Quân)

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 diễn ra hồi đầu tháng 8, ông Ben Gray, Giám đốc thị trường vốn, Công ty Cushman & Wakefield, cho rằng: trong 20 – 24 tháng tới sẽ có nhiều hoạt động trong lĩnh vực mua lại BĐS.

"Chúng ta sẽ thấy một vài tập đoàn tìm kiếm đối tác trong nước để nắm bắt cơ hội đầu tư vào những quĩ đất đang tồn tại. Gọi vốn riêng lẻ sẽ nóng lên khi ngân hàng cắt giảm vốn vay cho một số lĩnh vực", ông nói.

Tương tự khi trao đổi với báo chí, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cũng đưa ra nhận định, hầu hết các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS nước ngoài khi đầu tư vào một nước đều sẽ có ít nhất một đối tác là doanh nghiệp trong nước. Họ cần sự giúp đỡ từ đối tác trong các thủ tục hành lang pháp lí để đầu tư ở nước đó. Rất ít khi nhà đầu tư ngoại tự thâm nhập thị trường nước khác mà đi một mình.

Ông Wyatt dự báo: "Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Có thể, khi đã quen thuộc thị trường hơn thì nhà đầu tư ngoại sẽ đàm phán, mua lại cổ phần của đối tác trong nước. Nhưng trong những năm đầu khi mới gia nhập thị trường, thì họ vẫn ưu tiên việc tìm kiếm đối tác trong nước uy tín và đáng tin cậy để hợp tác".

Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp rào cản từ chính chủ trương siết pháp lí BĐS hiện nay.

"Tôi mong muốn Chính phủ quan tâm đến các vấn đề quyền sử dụng đất để có giải pháp, nếu không nó sẽ kéo thị trường xuống và ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi phải mang tính hệ thống. Chuyện này phải giải quyết xong trước khi chúng ta thực hiện làn sóng M&A mới", ông Stephen Wyatt kiến nghị.

Hiếu Quân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.