|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp nhà nước được tham gia dự án PPP?

11:27 | 26/09/2017
Chia sẻ
Một thông tin làm “nức lòng” các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là sắp tới, Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ30) sẽ cho phép các DNNN (100% vốn nhà nước) tham gia đấu thầu các dự án PPP dưới dạng liên danh.
doanh nghiep nha nuoc duoc tham gia du an ppp
Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sắp tới sẽ được tham gia đấu thầu các dự án PPP dưới dạng liên danh?

Điều này được xem là “cởi trói” cho các DNNN khi tham gia các dự án PPP song vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu theo thông lệ quốc tế.

Nên rộng cửa đối với nhà đầu tư PPP

Theo quy định của Điều 6 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 2 NĐ30, nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu (không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau). Một số ý kiến cho rằng, quy định về bảo đảm cạnh tranh nêu trên tạo sự phân biệt đối xử và hạn chế sự tham gia của các DNNN (100% vốn nhà nước) theo đuổi các dự án PPP do bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án. Chẳng hạn, với quy định như trên của Luật Đấu thầu và NĐ30 thì Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không được tham gia các dự án PPP do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư lớn trong nước cho biết, với quy định đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu của Luật Đấu thầu 2013 và NĐ30, nhà đầu tư gần như bị “truất quyền” ngay trên “sân nhà” khi không được phép tham gia các dự án do cơ quan cấp trên của mình làm chủ đầu tư. Trong khi đó, bản thân họ là những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đã có bề dày hoạt động trong lĩnh vực của dự án, điều này sẽ làm mất đi cơ hội của cả Nhà nước và phía nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án PPP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, để vừa đảm bảo tính cạnh tranh theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện hiện tại trong nước, dự thảo Nghị định thay thế NĐ30 quy định theo hướng cho phép các DNNN tham gia các dự án PPP dưới dạng liên danh nhưng với điều kiện tỷ lệ phần vốn nhà nước trong liên danh nhỏ hơn 51% (đại diện phần vốn tham gia của Nhà nước không có quyền quyết định dự án đầu tư trong liên danh). Bộ KH&ĐT cho rằng, tỷ lệ này là phù hợp trên cơ sở tham khảo quy định tại Khoản 4 Điều 144 Luật Doanh nghiệp, trong đó, trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.

Đấu thầu phải cạnh tranh và minh bạch

Theo ông Mai Anh Tuấn, Tổng giám đốc VEC, việc Nhà nước cho phép các DNNN tham gia đấu thầu các dự án PPP là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã có năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án PPP. Khi thực hiện các dự án PPP với quy mô vốn lớn, vòng đời dự án dài, chúng ta cần tìm các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm thực sự để thực hiện và vận hành dự án. Để đảm bảo được nhiều mục tiêu của dự án PPP, Nhà nước không những cần “cởi trói” mà còn phải “rộng cửa” đối với nhà đầu tư. Nhà nước không cho phép nhà đầu tư là DNNN tham gia đấu thầu các dự án PPP là lo ngại về tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Vấn đề ở đây là nên tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư tham gia, còn trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án PPP thì cần phải đảm bảo tối đa yếu tố cạnh tranh, công bằng, qua đó những nghi ngại về tính minh bạch của dự án PPP sẽ được giải tỏa.

Còn ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, bản chất của PPP là hợp tác công - tư. Nếu cho phép DNNN được độc lập tham gia đấu thầu và trúng thầu dự án PPP thì dự án PPP sẽ biến từ hợp tác công - tư thành hợp tác công - công. Việc cho phép DNNN tham gia các dự án PPP dưới dạng liên danh là để đảm bảo dự án PPP vẫn phải duy trì được bản chất “công - tư” trong đó. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo tính công khai, minh bạch của dự án PPP thì cần phải hạn chế tối đa, thậm chí là loại bỏ yếu tố công - công trong dự án PPP. Theo đó, các DNNN cần phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa, bán tối đa phần vốn góp của Nhà nước thì PPP sẽ là chân trời rộng mở đối với tất cả các nhà đầu tư.

doanh nghiep nha nuoc duoc tham gia du an ppp Sẽ bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án PPP

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) ...

doanh nghiep nha nuoc duoc tham gia du an ppp HoREA: Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi cần ‘siết’ quy định đấu thầu dự án PPP, BT, BOT

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư dự án, ...

doanh nghiep nha nuoc duoc tham gia du an ppp Hà Nội đề xuất làm dự án giao thông PPP nếu Bộ GTVT chưa có vốn

Trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa cân đối, bố trí vốn thực hiện các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương-Vành ...

Khánh Ngọc