'Doanh nghiệp náo loạn vì Nghị định 20 yêu cầu báo cáo lợi nhuận liên quốc gia'
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế. Nghị định 20 được Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 24/2/2017, có hiệu lực từ ngày 1/5/2017.
Theo chia sẻ của ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam tại Hội thảo chia sẻ báo báo "Công bằng thuế nhìn từ hoạt động của các tập đoàn đá quốc gia, ngân hàng đa quốc gia" do Oxfam tổ chức ngày 18/5: "Các khách hàng của chúng tôi báo gồm các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu thì trong đó, các doanh nghiệp Nhật có xu thế minh bạch hơn các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 20 được ban hành tháng 2/2017, có hiệu lực từ 1/5/2017, thị trường đang náo loạn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới".
Theo ông Long, các doanh nghiệp như doanh nghiệp Nhật hoạt động ở Việt Nam mặc dù không có ý định trốn thuế hay chuyển giá nhưng các công ty này cũng đang băn khoăn vì các qui định mới của Nghị định 20.
Qui định của Nghị định 20 nhắm các tập đoàn đa quốc gia, có lợi nhuận toàn cầu, và đặc biệt lợi nhuận tại các thiên đường thuế với mức thuế suất cực thấp, hay bằng không.
Nghị định 20 yêu cầu các công ty có hoạt động liên kết tại Việt Nam (có qui định về qui mô, doanh thu, lợi nhuận) sẽ phải lập và đệ trình 3 báo cáo bao gồm Báo cáo quốc gia (Local file); Báo cáo thông tin tập đoàn (Master file) và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao (Country by Country report).
Cụ thể, Nghị định 20 qui định các doanh nghiệp phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CBCR) trong hai trường hợp.
Thứ nhất, người nộp thuế là Công ty mẹ tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên.
Trường hợp thứ hai là người nộp thuế có Công ty mẹ tối cao tại nước ngoài, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp bản sao Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao trong trường hợp Công ty mẹ tối cao phải nộp báo cáo này cho nước sở tại. Trong trường hợp không nộp được, phải có văn bản giải thích lý do, căn cứ pháp lý rõ ràng.
Ông Long cho hay, doanh nghiệp đang rất sợ với 3 báo cáo này, đặc biệt với Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao (Country by Country report).
Theo ông Long, Việt Nam yêu cầu khác biệt so với thế giới. "Các nước khác, tập đoàn sẽ lập Báo cáo Country by Country report, xong để đó, công bố cho cơ quan thuế của nước sở tại của tập đoàn thôi nhưng tại Việt Nam thì "vui lòng copy báo cáo đó nộp cho cơ quan thuế tại Việt Nam khi yêu cầu".
Hơn nữa, thời hạn lập là thời hạn theo quyết toán thuế năm, tức là 31/3 hàng năm. Thời hạn này sẽ là gánh nặng cực lớn cho kế toán trưởng cũng như các giám đốc tài chính.
Tuy nhiên, theo ông Long, các doanh nghiệp Việt thường hay "lách luật", thời hạn đệ trình báo cáo là 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản. Như vậy, doanh nghiệp có thể ít nhất kéo dài thêm 1 tháng, chưa tính có thể gia hạn thêm 15 ngày nữa.
Lưu ý là có một số trường hợp ngoại lệ không phải lập 3 báo cáo này. Tập đoàn Việt Nam có các công ty con không hoạt động tại các vùng lãnh thổ có chênh lệch về thuế suất thì không phải lập.
Tuy nhiên, theo tổ chức Oxfam, Nghị định 20 lại không yêu cầu công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Báo cáo này chỉ nộp cho các cơ quan thuế nhằm cung cấp thông tin tổng quan về toàn bộ công ty đa quốc gia, là công cụ đánh giá rủi ro cho cơ quan thuế, giúp xác định những hành vi tránh thuế của doanh nghiệp. Bản thân báo cáo không phải là cơ sở để xác định mức thuế đóng.
Theo phân tích của Oxfam, nếu báo cáo lợi nhuận xuyên quốc gia được công khai (như Chỉ thị số 4 của EU) sẽ cho phép công chúng và nhà đầu tư đánh giá hành vi thuế của công ty, hạn chế hành vi gian lận thuế, giám sát hoạt động chuyển lợi nhuận, cung cấp thông tin về ưu đãi thuế và đảm bảo trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Oxfam dẫn ví dụ về Ngân hàng Rabobank đã đóng cửa hoạt động ở Curacao - quốc đảo nằm vào phía nam của biển Caribe, gần bờ biển Venezuela - sau khi có những công bố phân tích của các tổ chức về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của ngân hàng này và đã được công chúng hoan nghênh.
Công bố danh sách 15 thiên đường thuế, Oxfam đánh giá mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) đang bị thất thu 100 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.