Bị Oxfam xếp gần cuối bảng về giải quyết bất bình đẳng, Singapore phản bác đanh thép
Facebook mở trung tâm khởi nghiệp tại Singapore |
Hôm 9/10, tổ chức từ thiện phát triển toàn cầu Oxfam công bố Chỉ số Cam kết giảm thiểu Bất bình đẳng (CRI) 2018. Theo đó, Singapore (thứ 149) chỉ đứng trên 8 quốc gia khác trong đó có Nigeria (thứ 157), Bhutan (thứ 152) nhưng đứng dưới nhiều quốc gia bao gồm cả người láng giềng Myanmar (thứ 138), Đông Timor (thứ 132) và Việt Nam (thứ 99).
Năm 2017, Singapore đứng thứ 86 trong bảng xếp hạng CRI. Theo Oxfam, sở dĩ Singapore tụt hạng không phanh một phần là do bảng xếp hạng năm nay có thêm một tiêu chí mới về “chính sách thuế bất lợi”. Oxfam cho rằng Singapore có “một số chính sách kiểu này” chẳng hạn như các ưu đãi thuế cho nhóm ngành hàng hải, tài chính và một chương trình ưu đãi thuế cho doanh nghiệp giao thương toàn cầu hoạt động tại Singapore.
Bản báo cáo của Oxfam nêu rõ: “Singapore đã tăng thuế thu nhập cá nhân thêm 2%, nhưng thuế suất tối đa 22% đối với những người giàu nhất hiện nay vẫn là khá thấp”.
Một yếu tố nữa lý giải cho xếp hạng lẹt đẹt của Singapore là tỷ lệ chi tiêu công cho các mục đích xã hội thấp. Theo Oxfam, chỉ khoảng 39% ngân sách quốc gia được chi tiêu cho giáo dục, bảo vệ sức khỏe và an ninh xã hội. Tỷ lệ này “thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 50% của Hàn Quốc và Thái Lan”.
Oxfam đánh giá Sinagpore là một trong những quốc gia có chi tiêu cho giáo dục giảm mạnh nhất trên thế giới.
“Về phương diện lao động, Singapore không có luật bình đẳng thu nhập hoặc luật chống phân biệt đối với nữ giới. Luật về chống cưỡng hiếp và quấy rối tình dục của Singapore còn lỏng lẻo. Nước này cũng không có quy định về lương tối thiểu, ngoại trừ đối với lao công và bảo vệ”.
Singapore phản bác: Các tiêu chí xếp hạng mang đặc tính của một ý thức hệ khác
Phản hồi báo cáo của Oxfam, Bộ trưởng Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore ông Desmond Lee cho biết thuế suất của nước này thấp nhưng “những lợi ích mà cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xã hội chất lượng cao mang lại cho Singapore là rất lớn”.
Ông nói thêm: “Bản báo cáo giả định rằng đánh thuế cao và chi tiêu công lớn phản ánh mức độ cam kết trong chống bất bình đẳng. Chúng tôi thì cho rằng các kết quả cuối cùng đạt được mới là quan trọng. Chính bản báo cáo cũng phải thừa nhận điểm hạn chế này”.
Bộ trưởng Desmond Lee kể ra những thành tích mà Singapore đạt được trong lĩnh vực cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế và giao dục cho công dân chẳng hạn như tỷ lệ sở hữu nhà ở lên tới 90% hay tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới.
“Viêc Singapore có thể đạt được những thành tựu này dù thuế suất và chi tiêu công thấp hơn hầu hết các quốc gia khác phải được coi là điểm đáng khen chứ không phải đáng chê. Chúng tôi nỗ lực mang lại những lợi ích thực tế cho người dân – như y tế, giáo dục, công việc và nhà ở tốt – chứ không cố gắng thỏa mãn vài tiêu chí mang đặc tính của một ý thức hệ khác".
Ảnh minh họa. |
Đan Mạch dẫn đầu, Nigeria cuối bảng
Là quốc gia có 10% số trẻ em tử vong khi chưa đầy 5 tuổi, Nigeria đứng cuối bảng xếp hạng vì chi tiêu xã hội “thấp tới mức đáng xấu hổ”, hoạt động thu thuế kém hiệu quả và vi phạm quyền lao động ngày càng nghiêm trọng, Oxfam đánh giá.
Tổ chức này cho rằng giải quyết vấn để bất bình đẳng không phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của một quốc gia mà phụ thuộc vào ý chí chính trị.
Đan Mạch dẫn đầu bảng xếp hạng, trên các quốc gia khác như Đức, Phần Lan và Áo. Nhật Bản là quốc gia châu Á xếp hạng cao nhất khi đứng thứ 11.
Hàn Quốc (thứ 56) và Indonesia (thứ 90) nằm trong số các quốc gia được khen ngợi vì nỗ lực giảm bất bình đẳng thông qua các chính sách về chi tiêu xã hội, thuế và quyền lao động.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn được biểu dương vì tăng mức lương tối thiểu thêm 16,4 % trong năm ngoái.
Theo Oxfam, Trung Quốc (thứ 81) bỏ xa Ấn Độ (thứ 147) vì tỷ lệ chi ngân sách cho y tế của Trung Quốc cao gấp đôi Ấn Độ còn tỷ lệ chi ngân sách cho phúc lợi xã hội cao gấp gần 4 lần.
Bất bình đẳng ở mức đáng báo động
Oxfam cho biết tình trạng bất bình đẳng hiện đang ở mức báo động khủng hoảng, trong đó top 1% những người giàu nhất thế giới giành tới khoảng 80% lượng của cải tạo ra trong giai đoạn giữa 2016 – giữa 2017; ngược lại, tài sản của một nửa nghèo nhất của thế giới không hề tăng lên.
Bảng xếp hạng chỉ số CRI được công bố trong lúc các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước đang gặp nhau tại cuộc gặp thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Bali.
Oxfam cảnh báo, các nhà lãnh đạo trên thế giới có thể sẽ không thực hiện được cam kết giảm bất bình đẳng trước năm 2030, đồng thời hối thúc các vị lãnh đạo này xây dựng các kế hoạch để xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. Theo Oxfam, các kế hoạch này phải được tài trợ bằng nguồn vốn đến từ biểu thuế lũy tiến và hạn chế tình trạng trốn thuế.
Bà Winnie Byanyima, giám đốc điều hành Oxfam, nói: “Nhiều trẻ em trên thế giới thiệt mạng vì các bệnh có thể phòng tránh được do thiếu nguồn vốn chi cho chăm sóc sức khỏe; trong khi đó các tập đoàn lớn và cá nhân giàu có lại trốn nộp những khoản thuế hàng tỉ USD. Chính phủ các nước thường cam kết chống đói nghèo và bất bình đẳng. Bảng chỉ số này cho thấy các chính phủ có giữ lời hay không”.