|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tám đề xuất cho một APEC 'không ai bị bỏ lại phía sau'

21:15 | 01/11/2017
Chia sẻ
Tổ chức Oxfam vừa công bố báo cáo “Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm ở châu Á - Làm thế nào để APEC vươn tới nền kinh tế không ai bị bỏ lại phía sau?”, nhân Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại TP Đà Nẵng.
tam de xuat cho mot apec khong ai bi bo lai phia sau

Theo Oxfam, nhiều công nhân Việt Nam phải làm 12 giờ/ngày, sáu ngày một tuần nhưng mức lương nhận đựơc chỉ đủ sống qua ngày. Ảnh: Eleanor Farmer/Oxfam

Trong báo cáo, Oxfam cho biết, kinh tế châu Á tăng trưởng mạnh trong nhiều thập kỷ qua nhưng kèm theo đó là tình trạng bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.

TBKTSG Online lược ghi 8 đề xuất của Oxfam gửi đến các nhà lãnh đạo APEC, với mong muốn các quốc gia thành viên có thể tận dụng cơ hội của hội nghị lần này, kiến tạo một nền kinh tế không phải chỉ cho một số ít mà cho tất cả mọi người.

Châu Á phân cực giàu nghèo ngày càng rõ

Theo báo cáo của Oxfam, trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng và giảm nghèo ấn tượng, nhưng bất bình đẳng cũng đang gia tăng và lợi ích ngày càng tích tụ vào nhóm giàu nhất. Ngày nay, châu Á đang trở thành khu vực của những cá nhân cực giàu và cực nghèo. Một minh chứng rõ ràng cho nhận định này là tình trạng bất bình đẳng về tài sản trong các nền kinh tế thành viên APEC ở châu Á.

Cụ thể, tại Indonesia, 4 người giàu nhất có khối tài sản lớn hơn tài sản của 100 triệu người nghèo nhất. Tại Thái Lan, 1% những cá nhân giàu có sở hữu 56% khối tài sản quốc gia. Tại Indonesia, 1% tổng dân số nắm giữ nửa tổng tài sản của toàn nước. Còn tại Việt Nam, thu nhập trong một năm của 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo.

Các hộ nghèo thường gặp khó khăn trong việc cho con cái học cao hơn bậc tiểu học. Ở Indonesia, mặc dù chính phủ có khả năng để đảm bảo cung cấp giáo dục tiểu học cho tất cả mọi người, nhưng chỉ hơn một nửa (55%) trẻ em của những gia đình nghèo được tiếp tục học lên trung học. 60% dân số ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có an sinh xã hội. Oxfarm nhận định, điều này không đáng ngạc nhiên ở châu Á, nơi mà các dịch vụ an sinh xã hội chỉ chiếm 6,9% chi tiêu công, so với 20% ở những nước phát triển.

Gần hai phần ba (63,5%) số người lao động nghèo trên thế giới (những người có mức sống dưới 3,1 đô la Mỹ mỗi ngày) tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều người trong số họ, lương là nguồn sống chính. Thế nhưng, thu nhập mà họ nhận được chỉ tương đương một phần rất nhỏ số tiền mà họ cần để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Trong nhiều chuỗi cung ứng, các công ty luôn tìm cách để duy trì mức lương thấp nhất có thể nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Điển hình ở chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực may mặc, với mỗi chiếc áo phông bán ra, lương trả cho công nhân may chỉ chiếm 0,6% chi phí của chiếc áo, 59% là cho những nhà bán lẻ và 12% thuộc về hãng sản xuất.

Báo cáo cũng chỉ ra, các chính sách thuế hiện hành không tạo ra đủ nguồn thu để chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhằm xóa nghèo và giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Dù chưa có chứng cứ rõ ràng cho thấy việc hạ thuế suất sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhưng trên thực tế, mong muốn thu hút các nhà đầu tư lại đang tạo động lực cho một cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp giữa các quốc gia. Ở châu Á, mức thuế suất biên cao nhất trung bình áp dụng đối với thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 31,3% năm 2003 xuống còn 21,4% năm 2017. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế doanh nghiệp làm gia tăng sức ép lên các chính phủ khiến họ tăng các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, chuyển gánh nặng thuế lên người nghèo.

Oxfam cho rằng, các nhà lãnh đạo APEC giữ một vai trò đặc biệt trong việc chấm dứt những vấn đề dai dẳng này bằng cách kiến tạo và thúc đẩy những nền kinh tế mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau.

“Nghèo đói và bất bình đẳng không phải do số phận gây ra. Những vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết và xóa bỏ”, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tám đề xuất

Để góp phần giải quyết bất bình đẳng, Oxfam đề xuất 8 ý tưởng sau:

1. Các nhà lãnh đạo APEC cần nhìn nhận bất bình đẳng ngày càng gia tăng là mối đe dọa tới tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực. Các nhà lãnh đạo nên thông qua các mục tiêu quốc gia với mốc thời gian rõ ràng để giảm khoảng cách giàu nghèo.

2. Phối hợp để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp và chấm dứt tình trạng trốn và tránh thuế. APEC cần thúc đẩy hợp tác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực quản lý thuế, tăng cường hiệu suất thuế, thúc đẩy việc áp dụng các loại thuế lũy tiến, xây dựng các hệ thống thu thuế hiệu quả và minh bạch hơn. Việc hợp tác này cần bao gồm chia sẻ thông tin về các thực hành tốt liên quan đến quản lý thuế, dòng thu nhập và các dữ liệu có liên quan khác.

3. Tăng nguồn lực cho đầu tư xã hội, đặc biệt là đối với các dịch vụ thiết yếu. Các nhà lãnh đạo APEC cần cam kết phân bổ nguồn lực và xác lập các mục tiêu rõ ràng nhằm cải thiện và mở rộng các dịch vụ giáo dục và y tế. Họ cần tuân thủ các mục tiêu toàn cầu là đầu tư ít nhất 15% ngân sách cho y tế và 20% cho giáo dục.

4. Thúc đẩy mức lương đủ sống; bảo vệ, tôn trọng quyền con người và quyền lao động. Các nhà lãnh đạo APEC cần xây dựng luật để thúc đẩy việc áp dụng các mức lương đủ sống, coi đây là một hợp phần chính trong chiến lược của APEC nhằm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế. APEC cũng nên khuyến khích các chính phủ thực hiện Tuyên bố Bali về quyền lao động và nguyên tắc hướng dẫn của Liên hiệp quốc về kinh doanh và quyền con người. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế giám sát chặt chẽ và đảm bảo tuân thủ luật về lao động, đặc biệt là loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc.

5. Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ. APEC nên hỗ trợ những doanh nghiệp này bằng cách đảm bảo và mở rộng tiếp cận của họ với tín dụng và vốn; đầu tư nâng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt về phát triển và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, cần khuyến khích các nền kinh tế thành viên mở rộng và phát triển các dịch vụ công hướng tới mục tiêu hỗ trợ công việc chăm sóc. Qua đó, giải quyết tình trạng thiếu thời gian và tạo điều kiện để phụ nữ có thể đầu tư thời gian và công sức vào việc thành lập và quản lý doanh nghiệp cũng như mở rộng các lựa chọn về cuộc sống cho phụ nữ, không chỉ ở khía cạnh kinh tế.

6. Các nhà lãnh đạo APEC cần thúc đẩy sự tham gia trực tiếp và tăng quyền của công dân trong cả ba trụ cột về tăng trưởng – bao gồm kinh tế, xã hội và tài chính. Có thể thúc đẩy công việc này bằng nhiều cách khác nhau như: đảm bảo rằng các quan điểm của cộng đồng được ghi nhận trong hoạch định chính sách; đảm bảo rằng người lao động được đại diện trong các cấu trúc doanh nghiệp, và trong việc mở rộng và phát triển các dịch vụ tài chính đáp ứng các nhu cầu của người nghèo.

7. Thiết lập một cơ chế tham gia cho các đối tượng khác nhau của APEC nhằm đảm bảo các đại diện từ các tổ chức của người dân và các nhóm xã hội dân sự có thể tham gia và đóng góp vào các tiến trình APEC. Việt Nam, với tư cách là chủ nhà của hội nghị APEC năm nay, có thể tận dụng cơ hội này để thể chế hóa các cơ chế hoặc diễn đàn, mà ở đó các chính phủ và các bên liên quan có thể hợp tác và tham gia một cách chính thức vào các đối thoại và quy trình xây dựng chính sách. Sự ra đời của các cơ chế này sẽ thể hiện cam kết của APEC về tăng trưởng bao trùm.

8. Khuyến khích và hỗ trợ các chính phủ thành viên theo dõi quá trình giải quyết bất bình đẳng. Chính phủ của các nền kinh tế thành viên APEC cần phát triển kế hoạch quốc gia về giảm bất bình đẳng, hướng tới mục tiêu 40% những người nghèo nhất có thu nhập bằng 10% những người giàu nhất.

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Đây là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.
tam de xuat cho mot apec khong ai bi bo lai phia sau APEC 2017: Quan chức OECD: Hợp tác là chìa khóa đẩy lùi tình trạng trốn thuế

Ông Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Quản lý Thuế thuộc OECD, cho biết việc thúc đẩy sáng kiến này (BEPS) trong ...

Bảo Uyên