Những 'thiên đường thuế' gây thiệt hại lớn nhất thế giới
Các chuyên gia nghiên cứu của Oxfam cho biết các chính phủ trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cho phép những hình thức tránh thuế cực đoan để thu hút đầu tư.
Oxfam cảnh báo rằng cuộc đua xuống đáy này khiến các quốc gia mất đi hàng tỷ đô la cần thiết để giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng.
Theo CNN, Oxfam xếp hạng các quốc gia bằng cách xem xét tới thuế suất của các nước. Tổ chức này cũng xem xét tới việc liệu các nước có đưa ra các ưu đãi thuế bất công, liệu họ có hợp tác với các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn việc trốn thuế, chẳng hạn như nhất trí tăng cường minh bạch tài chính.
Báo cáo cho biết Bermuda là nơi tồi tệ nhất, thứ hai là Đảo Cayman và thứ ba là Hà Lan.
Đáp lại, Cơ quan Phát triển Kinh doanh Bermuda cho biết, việc báo cáo phớt lờ cơ cấu tài chính và thương mại độc đáo của quốc đảo này là thiếu hiểu biết và sai lầm.
Oxfam cho rằng khi các chính phủ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, họ phải cân đối lại ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu công và tăng các loại thuế khác, chẳng hạn như VAT.
"Người dân thường - đặc biệt là những người nghèo nhất - đang phải trả giá cho sự cạnh tranh liều lĩnh thông qua tăng thuế thu nhập cá nhân và cắt giảm các dịch vụ thiết yếu, như y tế và giáo dục", cố vấn chính sách thuế của Oxfam Esme Berkhout phát biểu. Oxfam cho biết phân tích của mình chỉ ra rằng 90% các công ty lớn nhất thế giới hiện diện tại ít nhất một "thiên đường" thuế.
Một vài nước được kể tên bởi Oxfam trong báo cáo liên quan tới những vụ bê bối thuế của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới gần đây. Tháng 8 vừa qua, Ireland đã được lệnh của Liên minh châu Âu thu hồi tới 13 tỷ euro (13,7 tỷ USD) tiền thuế chưa nộp của Apple. Nhờ một thỏa thuận với Ireland, Apple đã chỉ phải trả 1% hoặc ít hơn tiền thuế tại nước này, thấp hơn nhiều so với mức 35% thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ và mức 12,5% tại Ireland. Ireland là cái tên thứ 6 trong số những thiên đường trốn thuế của Oxfam.
Starbucks năm ngoái cũng được EU yêu cầu nộp lại 30 triệu euro tiền thuế nhờ một thỏa thuận với Hà Lan. Hãng xe hơi Fiat được yêu cầu nộp khoản tiền tương tự sau một thỏa thuận tương tự với Luxembourg.
Bahamas, cái tên thứ 11 trong danh sách xếp hạng và British Virgin Islands, xếp thứ 15, đều có trong danh sách thiên đường thuế mà Mossack Fonseca đã sử dụng để trốn thuế trong vụ bê bối Hồ sơ Panama.
EU, G20 và OECD đều đang tăng cường nỗ lực để lấp đầy những sơ hở về thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm qua, tuy nhiên Oxfam cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa. Các chính phủ phải làm việc cùng nhau để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy điên rồ về thuế thu nhập doanh nghiệp và đảm bảo rằng các công ty nộp những khoản thuế công bằng, theo Berkhout.
Dưới đây là danh sách những "thiên đường" thuế gây thiệt hại tồi tệ nhất trên thế giới mà Oxfam đưa ra:
1. Bermuda
2. Đảo Cayman
3. Hà Lan
4. Thụy Sĩ
5. Singapore
6. Ireland
7. Luxembourg
8. Curacao
9. Hong Kong
10. Cyprus
11. Bahamas
12. Jersey
13. Barbados
14. Mauritius
15. British Virgin Islands
Lý giải về việc không có Anh trong danh sách, Oxfam cho biết đã có tới 4 vùng lãnh thổ của nước này có mặt trong bảng xếp hạng rồi.