|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

50% vốn FDI vào Việt Nam qua các thiên đường thuế

08:47 | 08/10/2016
Chia sẻ
FDI vào các thiên đường trốn thuế đã tăng 4 lần từ năm 2001, nguồn vốn đổ vào tăng nhanh gấp 2 lần GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, 50% vốn FDI thông qua các thiên đường thuế như Hồng Kong, Singapore, quần đảo Virgin...
50 von fdi vao viet nam qua cac thien duong thue
Hồ sơ Panama chỉ đưa ra ánh sáng một góc nhỏ các hoạt động trốn thuế. Ảnh: Stratfor.com.

Thông tin trên được chuyên gia thuế toàn cầu của Oxfam, bà Susana Ruiz đưa ra tại hội thảo về Thuế và Bất bình đẳng diễn ra chiều ngày 7/10.

Thiên đường thuế như Panama, Becmuda, nơi mà các doanh nghiệp hoạt động tại đây được áp dụng mức thuế ưu đãi gần như bằng 0%. Theo chuyên gia của Oxfam, các tập đoàn đa quốc gia đã trốn thuế thông qua các khu vực có ưu đãi thuế này.

Chuyên gia của Oxfam phân tích, các tập đoàn này đã chuyển phần lớn lợi nhuận về các công ty bình phong tại các nước có thuế suất cực thấp. Thay vì phải trả mức thuế 20% tại các nước họ sản xuất, kinh doanh, các công ty này đã làm thêm bước trung gian chuyển hàng hóa, lợi nhuận về các quốc gia mức thuế gần như bằng 0%.

Các thiên đường thuế không có nền sản xuất thực nhưng các hoạt động thương mại lại diễn ra mạnh mẽ. Một nửa các hoạt động thương mại trên toàn cầu diễn ra ở các thiên đường thuế. Tiền tại các thiên đường thuế này ước tính khoảng 2 - 3,2 nghìn tỉ USD, bằng GDP của cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại, thông tin do đại diện của Oxfam cung cấp.

FDI vào các thiên đường trốn thuế đã tăng 4 lần từ năm 2001. Nguồn vốn đổ vào tăng nhanh gấp 2 lần GDP toàn cầu.

Chuyên gia thuế Susana Ruiz ví dụ, Mauritius - một quần đảo ở Ấn Độ Dương là nhà đầu tư lớn nhất vào Ấn độ, 50% FDI của Ấn Độ đến từ quần đảo này. Hay như quần đảo Virgin ở Anh có 830.000 doanh nghiệp được thành lập, gấp 30 lần dân số ở đó (cả Virgin chỉ có 28.000 người và nhỏ hơn 2000 lần diện tích Việt Nam). Theo bà Susana, quần đảo này cũng có tên trong danh sách các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam.

Châu Á có dòng chảy tài chính phi pháp cao nhất, chảy từ đây đến các nơi trên thế giới. Thống kê của Oxfam, tài chính phi pháp chỉ có 5% do tham nhũng, 30% do tội phạm, trong khi, 60% do các doanh nghiệp lợi dụng sự bất bình đẳng thuế này.

Theo ước tính, điều này dẫn tới các nước nghèo thất thoát 100 tỉ USD mỗi năm do trốn thuế.

Tuy nhiên, sau khi công khai hồ sơ Panama - vụ rò rỉ thông tin về thuế gây chấn động, Chính phủ các nước đã không còn làm ngơ trước tình trạng chuyển giá sang các thiên đường thuế được nữa. Khi đó, các tập đoàn đa quốc gia nghĩ ra những cách lách luật khác. Các hoạt động tài chính ảo như cho vay nội bộ tập đoàn hay chuyển các đăng kí sở hữu trí tuệ, bản quyển sang các nước thiên đường thuế.

Số liệu từ hồ sơ Panama, công ty Mossack Fonseca - được lập ra trốn thuế cho các tổ chức cá nhân cho thấy, cứ 10 phút, họ tạo ra một công ty ở nước ngoài.

Chuyên gia của Oxfam cho rằng, thế giới hiện nay vẫn đang áp dụng hệ thống thuế lỗi thời từ 100 năm trước, hệ thống này đang tạo ra bất bình đẳng và nguy cơ trên toàn thế giới. Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng, chuyên gia này khuyến cáo Việt Nam nên tỉnh táo trước nguồn vốn FDI, đặc biệt là vốn đến từ các thiên đường thuế.

Thái Hoàng

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.