Doanh nghiệp mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất
Doanh nghiệp cần hỗ trợ bằng chính sách
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, ông Võ Quốc Thắng cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Một số doanh nghiệp ngừng hoạt động do không đủ điều kiện tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” hoặc tự chủ động xin tạm dừng hoạt động.
Sau khi tỉnh Long An ban hành kế hoạch về việc điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, đã có 95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với khoảng 330.000 lao động.
Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng thiếu lao động từ 10-20% và việc phục hồi năng suất đạt từ 70 - 80% so với trước dịch.
Theo ông Võ Quốc Thắng, gần đây Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều thảo luận để hỗ trợ doanh nghiệp. Song, hỗ trợ tiền chỉ là phần nhỏ, thực tế doanh nghiệp cần hỗ trợ chính sách bởi một chính không phù hợp có thể gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất kinh doanh.
Nêu ví dụ trong thời gian giãn cách xã hội, mặc dù, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đã đã yêu cầu là bằng mọi cách không được để xảy ra ách tắc hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc di chuyển của doanh nghiệp, người dân thời gian đó vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi chốt làm mỗi kiểu.
Do đó, ông Thắng đánh giá cao Chính phủ đã cương quyết trong xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” trong chống dịch ở các địa phương; kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà đến nay các chính sách này đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Thắng, trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, các doanh nghiệp tại Long An vừa chống dịch vừa chuyển đổi số mạnh và nhờ đó góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất.
Đến nay, tỉnh Long An đã cho phép doanh nghiệp tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tự cách ly, điều trị, nếu có trường hợp nặng thì mới chuyển lên các bệnh viện của tỉnh.
“Người lao động, doanh nghiệp cũng đã có ý thức tự chủ, nhờ vậy các doanh nghiệp trên địa bàn Long An hầu như đã quay lại hoạt động toàn bộ. Cái khó hiện nay là thiếu hụt lao động, bởi dịch bệnh còn, đặc biệt là ở khu vực miền Tây”, ông Thắng nói.
Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ Võ Thị Thu Hương cho biết, quý III, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 981 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 19.700 tỷ đồng. Trong tháng 11, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7.533 doanh nghiệp thành lập mới và 8.955 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ làm thủ tục giải thể.
Theo bà Hương, trong bối cảnh cả nước tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu thì Đồng bằng sông Cửu Long lại chịu tác động tiêu cực nhiều trong quý III; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng trong tháng 9 thấp nhất trong 9 tháng năm 2021, với giá trị chỉ hơn 1 tỷ USD (thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán).
Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Đây là rào cản nhất định đối với vùng kinh tế vốn dĩ có nhiều khó khăn hiện hữu, đòi hỏi sự linh hoạt, tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro để bảo toàn vốn được xem là ưu tiên hàng đầu.
Cải cách thể chế mạnh hơn
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gói hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp đang cần lúc này chính là những cải cách, cắt giảm mạnh về các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Năm 2021 là năm gặp rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì phải đối phó với dịch COVID-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có tới 94% doanh nghiệp gặp phải khó khăn, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, hàng triệu người lao động mất việc làm. Tại các tỉnh phía Nam, có 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng, đặc biệt là Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc giãn cách kéo dài dẫn đến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, hệ thống giao thông vận tải hàng hóa bị gián đoạn. Nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh ở trạng thái “đóng băng” hoặc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt thời kỳ đỉnh dịch ở quý III. Tất cả hệ quả đó chủ yếu là do tác động của đại dịch.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sự điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch gần đây là tín hiệu tích cực và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực vượt bậc. Phần lớn các doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị các phương án, kế hoạch mới nhằm thích ứng nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức số hóa, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và duy trì được sản xuất kinh doanh…
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay các địa phương đã có kế hoạch hồi phục nền kinh tế, Chính phủ đang trình Quốc hội những gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, kích thích nền kinh tế. Tùy thuộc vào khả năng của ngân sách nhà nước và đảm bảo hiệu quả, đặc biệt là phải đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu quan trọng bậc nhất là duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô…
Đồng quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Long An, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, gói hỗ trợ quan trọng nhất chính là những cải cách mạnh các thủ tục hành chính trong quá trình kinh doanh để trợ cho doanh nghiệp.
“Hỗ trợ về tiền bạc là cần thiết, nhưng cần thiết nhất là sự hỗ trợ về cơ chế thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh các dự án”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/