Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chủ động đề xuất các chính sách về tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước trong năm 2021 của ngành, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động của dịch COVID-19?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2021 được triển khai thực hiện trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 với biến thể Delta nguy hiểm, khó kiểm soát hơn và lan nhanh ở nhiều địa phương, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất..., buộc phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; do đó, đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển đất nước, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thu, chi ngân sách Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Về thu ngân sách Nhà nước, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ về dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách Nhà nước.
Qua đó giảm gánh nặng, chi phí đầu vào, giúp cho người sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.
Về điều hành chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm.
Đồng thời thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương cũng chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch COVID-19.
Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt nêu trên, tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12/2021 đạt 1.563.300 tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán và tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.
Chi ngân sách Nhà nước hoàn thành mục tiêu đề ra, chi 74.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước đã xuất cấp gần 158.200 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, giáp hạt đầu năm và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 33 địa phương.
Cả năm, bội chi ngân sách Nhà nước thực hiện đạt dưới 4% GDP. So với GDP ước thực hiện, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 39%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 23% tổng thu ngân sách Nhà nước .
Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối ngân sách Nhà nước được Bộ Tài chính điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.
Phóng viên: Năm 2021, để giảm thiểu những tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp cấp bách về chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Xin Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của chính sách này. Đồng thời trong quá trình triển khai Bộ có những giải pháp gì để giải quyết những vấn đề phát sinh?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2021, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trước tác động của dịch COVID-19.
Tổng giá trị hỗ trợ của các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất của năm 2021 là khoảng 144.000 tỷ đồng; trong đó có một số giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra như: miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19; miễn tiền chậm nộp thuế.
Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ.
Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, điểm đáng lo ngại là tình trạng giảm thu do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Để góp phần phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới, Bộ có tham mưu Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đúng như nhận định, tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 thời gian qua, đối với thu ngân sách nhà nước bên cạnh yếu tố làm giảm thu là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực thì cũng còn yếu tố thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân như kể trên.
Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó ngân sách Nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức với cân đối ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn để có thể khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho ngân sách và góp phần vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh.
Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để phục hồi và phát triển kinh tế cũng còn phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với số tiền 291.000 tỷ đồng; trong đó 240.000 tỷ đồng từ chính sách tài khóa.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!