Doanh nghiệp mong mỏi chính sách mới về cơ chế đối với điện mặt trời
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã có văn bản gửi các tổng công ty điện lực về việc dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện Mặt Trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt điện Mặt Trời không khỏi lo lắng.
Doanh nghiệp mất phương hướng
Đối với các công trình điện Mặt Trời mái nhà phát triển sau mốc thời gian này, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020, đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương. Như vậy, kể từ đầu năm nay 2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với điện Mặt Trời mái nhà chưa được xác định.
Theo ông Diệp Bảo Cánh, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng Mặt Trời đỏ - đơn vị sản xuất và thi công các công trình điện Mặt Trời mái nhà, điện Mặt Trời trong thời gian qua được khuyến khích phát triển bằng các chính sách giá, ưu đãi và hỗ trợ nhiều về lắp đặt từ phía ngành điện. Điều này đã giúp cho Việt Nam phát triển rất nhanh loại hình năng lượng này, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.
Đây là xu hướng phát triển trong tương lai, được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia hưởng ứng. Công ty đã sản xuất các thiết bị đạt tiêu chuẩn và thi công nhiều dự án tại mái của các nhà hàng, khách sạn, sản lượng điện tiết kiệm rất đáng kể, ông Diệp Bảo Cánh cho hay.
Vị đại diện Công ty Năng lượng Mặt Trời đỏ cũng cho hay EVN có văn bản về việc dừng tiếp nhận vừa qua là đúng nhiệm vụ và quy định của nhà nước. Trong thời gian chờ cơ quan quản lý đưa ra chính sách giá mới thì tập đoàn dừng mua điện để đảm bảo về mặt tài chính.
“Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng dự án. Trên thực tế, tại nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, nhiều người đã nắm rõ các quy định, thời hạn tiếp nhận điện Mặt Trời mái nhà đến 31/12/2020 nhưng vẫn hy vọng vào việc lắp đặt, hòa lưới và sẽ được trả lại tiền sau khi có chính sách mới.
Do đó, đến thời điểm hiện tại, việc EVN dừng mua sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những người đã xây dựng xong rồi nhưng vì chậm tiến độ mà không thể kịp hoà lưới trước ngày 1/1/2021. Là doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm có phương án giá cho giai đoạn tới," Tổng Giám đốc Công ty Mặt Trời đỏ này cho hay.
Việc chưa có quyết định mới về điện Mặt Trời khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Đại diện Công ty M2 cho biết công ty có mặt bằng nhà xưởng hàng chục nghìn m2 đang thực hiện dự án lắp điện Mặt Trời mái nhà. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đến nay cũng rất băn khoăn, không rõ chính sách trong thời gian tới ra sao, tiếp tục thi công hay dừng lại, mức giá bán lên lưới sẽ như thế nào...
Cũng theo chia sẻ của ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, chính sách chưa có sẽ khiến doanh nghiệp rất khó đưa ra chiến lược, thực hiện. Doanh nghiệp cần chính sách mang tính liên tục, nhất quán, không nên để khoảng trống chính sách.
Trong thời gian chờ chính sách mới, doanh nghiệp sẽ phải hoạt động, định hướng ra sao. Vấn đề này tạo khó khăn cho cả EVN, doanh nghiệp và đối tác... Đó là chưa kể sự ảnh hưởng tới vốn vay ngân hàng, dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư trong thời gian dài tới đây.
Theo ông Tân, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì chính sách phải xuyên suốt, liên tục mới thu hút được nhà đầu tư bỏ công sức, nguồn lực. Còn như hiện tại, chính sách bỏ lửng chỉ tạo cơ hội cho những nhà đầu tư chộp giật, cơ hội.
Chính sách cũ đã hết hạn, chính sách mới chưa có. Theo các chuyên gia năng lượng, Chính phủ có thể kéo dài Quyết định 13 từ 3-6 tháng; trong thời gian đó sẽ hoàn thiện quyết định mới về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho hay chính sách mới phải có thời gian kéo dài để doanh nghiệp nhìn vào đó, xây dựng chính sách phát triển, huy động vốn, dòng tiền, công nghệ… Nếu đưa chính sách khuyến khích trong ngắn hạn sẽ tạo sự "phát triển nóng," đầu tư ồ ạt, tạo ra mối lo về đầu cơ dự án, chộp giật…
Sẽ sớm trình cơ chế mới
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo-Bộ Công Thương cho rằng việc đưa ra cơ chế mới không phải đơn giản. Điện Mặt Trời có giá cả thay đổi liên tục do công nghệ phát triển nên chính sách không thể quá dài. Một văn bản pháp luật xây dựng trong 6-7 tháng là chuyện bình thường, có khi văn bản vừa mới ban hành đã phải nghĩ ban hành cái mới vì nó không theo kịp thực tiễn phát triển.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay chính sách về năng lượng tái tạo không thể kéo dài 3-4 năm nếu áp dụng cơ chế giá cố định. Nếu cứ áp giá cố định thì mỗi năm sẽ phải ban hành 1 quyết định mới để áp giá mới. Còn nếu muốn có chính sách ổn định, dài hạn thì phải tính theo giá thị trường.
“Quyết định 13 đã đưa ra, doanh nghiệp, người dân không thể cứ nghĩ là chắc sẽ được gia hạn, sẽ được kéo dài khi chưa có quyết định mới nên cứ làm, rồi nhà nước sẽ xử lý. Điều này là không nên và không đúng," ông Dũng nói.
Về cơ chế khuyến khích điện Mặt Trời mới, ông Hoàng Tiến Dũng cho hay đơn vị đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện Mặt Trời mái nhà và dự kiến trong quý 1/2021 sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích điện Mặt Trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Dũng, Cục cũng đang đề xuất trong thời gian tới vẫn mua điện Mặt Trời mái nhà theo giá cố định nhưng mức giá có thể sẽ thấp hơn. Còn thấp hơn bao nhiêu thì chưa có con số cụ thể và cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng…