|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp mới thành lập tại TPHCM: Chỉ 15% vốn đầu tư vào sản xuất

21:45 | 20/06/2017
Chia sẻ
6 tháng đầu năm 2017, vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp tại TPHCM có tới hơn 40% đầu tư vào bất động sản, chỉ 15% vào sản xuất...

6 tháng qua, Thành phố Hồ Chí Minh có 18.000 doanh nghiệp thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 227.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn 2,15 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

doanh nghiep moi thanh lap tai tphcm chi 15 von dau tu vao san xuat
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp không đầu tư vào sản xuất vì lợi nhuận thấp (ảnh minh họa: KT)

Đây là tín hiệu vui trong thu hút đầu tư của thành phố. Nhưng điều đáng nói là nguồn vốn không tập trung vào sản xuất, mà có hơn 40% đầu tư vào bất động sản và 19,5% vào dịch vụ, 15% vào xây dựng. Trong khi, lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm khoảng 15%. Đây là sự bất hợp lý trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp không đầu tư vào sản xuất vì lợi nhuận thấp. Trong khi, ngành bất động sản lợi nhuận 30-40% và thời gian thu hồi vốn nhanh, có khi chỉ vài tháng.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbrigth cho rằng: Khi thị trường nhà đất đang nóng thì rất khó khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, sản xuất thời gian hoàn vốn lâu, sinh suất sinh lời 10-15% được xem khả quan. Mức sinh lời và tốc độ sinh lời trong sản xuất thấp hơn bất động sản rất nhiều nền dòng tiền đổ vào bất động sản nhiều hơn.

Bên cạnh lợi nhuận đầu tư vào sản xuất thấp thì doanh nghiệp ở lĩnh vực này còn có nhiều khó khăn khác. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Duy Khanh ở quận Tân Phú, chuyên sản xuất các chi tiết máy, thiết bị, linh kiện phụ tùng cho các máy sản xuất, ôtô, vận tải v.v… Hiện công ty đang xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô và máy sản xuất ở Mỹ và Nhật Bản.

Để cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài, công ty phải đầu tư hàng chục tỷ đồng nhập khẩu máy móc từ Châu Âu. Doanh nghiệp đầu tư vốn lớn nhưng lợi nhuận không quá 10%. Nếu doanh nghiệp vay vốn thì tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc, nên thủ tục cũng phức tạp hơn các ngành khác.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, thành phố có Chương trình Kích cầu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ. Hiện nay, mức cho vay tối đa của chương trình này lên đến 200 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp, thành phố bù lãi suất. Đây là sự hỗ trợ rất tốt đối với doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, muốn tiếp cận được nguồn vốn này thì chỉ có những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mới được vay .

Ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Duy Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh nói: Những quyết định đó hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp có thể được bù lãi suất đến 100%. Nhưng để doanh nghiệp vay được ngân hàng lại bài toán khác để có được dự án tốt ngân hàng cho vay, rồi tài sản thế chấp để ngân hàng cho vay là rất gian nan.

Khó khăn của doanh nghiệp Duy Khanh cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp cơ khí của thành phố Hồ Chí Minh . Để giải quyết bất hợp lý này, theo các chuyên gia kinh tế thì thành phố cần phải điều tiết được khoảng cách quá lớn tỷ suất sinh lời giữa doanh nghiệp sản xuất và bất động sản.

Bên cạnh đó cần giảm các chi phí cho doanh nghiệp sản xuất như: cơ sở hạ tầng, dịch vụ, logictic v.v… Trong đó, mặt bằng sản xuất là một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp này.

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hỗ trợ các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có quỹ đất làm hạ tầng, giám sát thúc đẩy nhanh quá trình làm hạ tầng. Các khu công nghiệp mới này là đất nông nghiệp, đất hoang hóa nên đỡ chi phí đền bù giải tỏa.

Một khó khăn nữa của doanh nghiệp sản xuất là đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hóa dược, chế biến lương thực thực phẩm.

Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra các doanh nghiệp chưa được hỗ trợ tham gia vào các chuỗi cung ứng lớn. Trong khi, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí đã xuất khẩu các thiết bị, linh kiện cho những doanh nghiệp làm tàu điện ngầm ở Nhật Bản, ô tô ở Đức… nhưng các dự án lớn ở thành phố như Samsung, tuyến Metro thì doanh nghiệp sản xuất trong nước rất khó tham gia.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong những dự án đầu tư công và hợp đồng cấp chính phủ nên có những điều khoản chuyển giao công nghệ và cho doanh nghiệp trong nước tham gia với một tỷ lệ nhất định.

Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ mới tham gia vào các chuỗi cung ứng lớn. Trước những bất cập này, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các ngành chức năng rà soát lại các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói: Về mặt chất thì chúng ta phải mở rộng cho doanh nghiệp sản xuất tạo ra giá trị vật chất cho thành phố. Từ đó, nó tạo ra thương hiệu và giá trị sản phẩm cho thành phố. Cần phải chăm chút và hết sức tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đó.

Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững hơn, góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.

Lệ Hằng