|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp mất vài năm chỉ để đóng tiền sử dụng đất

17:13 | 22/02/2020
Chia sẻ
Theo ông Lê Hoàng Châu, doanh nghiệp mất 3 - 5 năm, thậm chí có những dự án rất lâu để nộp tiền sử dụng đất rồi mới được triển khai dự án. Điều này dẫn đến việc dự án chậm triển khai khiến chi phí tăng lên.

Ngày 22/2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cùng các sở ngành tổ chức đối thoại với 36 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS.

Năm 2019 chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện TP có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản. Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của TP. Riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%, tỉ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong chín nhóm ngành dịch vụ.

Doanh nghiệp bất động sản mất đến vài năm để nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyên Hà).

Năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó. 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.

Về nguyên nhân, ông Phong cho rằng do các qui định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, qui hoạch, đô thị chưa thống nhất trong quá trình chuyển tiếp.

Cùng với đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lí, điều này dẫn đến việc đùn đẩy, chưa đảm bảo qui trình liên thông, đồng bộ trong việc giải quyết của các cơ quan quản lí nhà nước.

"Tôi yêu cầu các sở, ngành phải quyết liệt hơn. Làm được thì trả lời là được. Nếu không thì phải cho dự án dừng lại, không thể kéo dài mãi. Doanh nghiệp phát triển là thành công của TP. Còn khi doanh nghiệp khó khăn, phải chia sẻ. Không nên thấy khó khăn lại càng tạo thêm khó khăn. Với tư cách là người phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, lãnh đạo các sở, ngành phải cùng dân lắng nghe, có giải pháp quyết liệt hơn, làm đúng theo pháp luật", ông Phong nói.

Thủ tục để nộp tiền sử dụng đất quá chậm

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) giãi bày, hai năm qua, các doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Hiệp hội đã tổng hợp kiến nghị của 19 doanh nghiệp BĐS lớn liên quan đến hơn 30 dự án.

Doanh nghiệp bất động sản mất đến vài năm để nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM. (Ảnh: Nguyên Hà).

Ông Châu cho rằng đối với những nhà đầu tư chưa có quyền sử dụng đất, trong quá trình làm thủ tục, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi được cấp phép xây dựng, trước khi thi công mà phải nộp tiền sử dụng đất thì là chưa phù hợp. 

Theo ông, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đều không qui định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.

"Thủ tục xác định giá đất là do Sở TN&MT chủ trì. Thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất là do Hội đồng thẩm định giá đất TP mà thường trực là Sở Tài chính chủ trì. Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua thì UBND mới kí quyết định tiền sử dụng đất của dự án.

Qui trình từ xác định giá đất, đấu thầu chọn công ty tư vấn xác định giá đất, quá trình xác định giá đất, thẩm định giá đất… trả lên trả xuống. Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp Sở TN&MT báo cáo với Sở Tài chính, Sở Tài chính trả lại, rằng chưa được ra Hội đồng thẩm định đâu", ông Châu liệt kê thời gian hoàn thành thẩm định giá đất dự án.

Do vậy, phải mất từ 3 - 5 năm, thậm chí có những dự án rất lâu để hoàn tất thủ tục xác định giá đất thì doanh nghiệp mới được nộp tiền sử dụng đất. Điều này khiến dự án chậm triển khai, chi phí tăng lên làm doanh nghiệp gặp khó khăn và cuối cùng người mua nhà phải chịu.

Ông Châu nói tiếp: "Doanh nghiệp có ba loại chi phí rất lớn là tiền giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất và xây dựng công trình trên dự án. Cả ba chi phí này chiếm khoảng 90% chi phí dự án. 

Mà thời gian càng kéo dài thì chi phí càng tăng lên. Theo luật thì không hề qui định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chưa bán hàng, vậy thì tại sao thì bắt chúng tôi phải nộp tiền sử dụng đất khi chưa thi công xây dựng?

Doanh nghiệp mất từ 2 đến 5 năm để hoàn tất nộp tiền sử dụng đất, lúc này mới được cấp phép xây dựng. Mất ba năm để xây dựng công trình thì mới đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai".

Doanh nghiệp bất động sản mất đến vài năm để nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án - Ảnh 3.

Nhiều dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang gặp khó khăn vì vướng thanh tra nên chưa thể triển khai. (Ảnh: Nguyên Hà).

"Để đến thời điểm được huy động vốn cho dự án theo qui trình như vậy thì doanh nghiệp chắc chắn… chịu không nổi. Doanh nghiệp luôn mong muốn được sớm nộp tiền sử dụng đất nhưng hiện nay nộp tiền sử dụng đất quá chậm", ông Châu thay mặt các doanh nghiệp bất động sản giãi bày.

Ngoài ra, nhiều đại diện doanh nghiệp như NovaLand, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Lê Thành, Nam Long… cũng kiến nghị về việc giải quyết thủ tục hồ sơ cho các dự án quá chậm, nhiều lúc trả lên trả xuống khiến dự án ách tắc rất lâu.

Sở ngành phối hợp lỏng lẽo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Về vấn đề thủ tục, Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Phong nhìn nhận, việc chậm thủ tục dự án, các sở ngành phối hợp giải quyết cho cho doanh nghiệp nhiều lúc thờ ơ, lỏng lẻo là có trách nhiệm của những người đứng đầu và ông xin tiếp thu phản ánh này của các doanh nghiệp.

TP HCM đang nỗ lực để giải quyết các vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quý I/2020, UBND TP sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỉ đồng. UBND cam kết làm hết mình để đảm bảo môi trường chính trị ổn định, đem lại quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư.

Với vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của lãnh đạo TP, ông Phong đề nghị các sở, ngành chuyên môn có văn bản tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và tham mưu cho UBND TP xây dựng các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Về kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các sở ngành nhanh chóng rà soát, giải quyết vướng mắc cụ thể từng dự án cho doanh nghiệp.

Nguyên Hà

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.