|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp lo giá cà phê quay đầu giảm vì không thể xuất hàng

06:34 | 25/09/2021
Chia sẻ
Việc cà phê không thể xuất đi vì dịch bệnh COVID-19 kèm theo tình trạng thiếu container khiến tồn kho hàng của các doanh nghiệp ở mức cao. Điều này khiến họ lo ngại giá cà phê thời gian tới sẽ đảo chiều, nhất là thời điểm vụ thu hoạch đang đến gần.

Hàng tồn kho chất đống, doanh nghiệp kẹt dòng tiền

Việc giãn cách xã hội khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê bị trì hoãn. Cùng với đó, sương giá và thời tiết khắc nghiệt tại Brazil càng khiến thị trường lo ngại việc nguồn cung cà phê cho thế giới thời gian tới sẽ giảm mạnh. Điều này đã đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong 4 năm.. 

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đạt 105 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 12% về trị giá so với tháng 7.

Việc giá cước vận tải tăng từ Việt Nam đi EU và Mỹ quá cao và tình trạng thiếu container khiến doanh nghiệp điêu đứng, không thể xuất được hàng.

Trao đổi với người viết, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết hiện nay hàng tồn kho không thể bán đi được vì không thể thuê container và cước tàu quá cao.

"Trước đây, chỉ mất 5 - 10 ngày để vận chuyển xong một chuyến hàng sang các nước nhưng hiện nay phải mất tới 2 - 3 tháng mới vận chuyển xong. Chưa bao giờ hàng tồn kho nhiều như năm nay", ông Hiệp cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hiệp tỏ ra lo ngại nếu tình hình nay kéo dài sẽ dẫn đến dòng tiền của doanh nghiệp bị bế tắc và rủi ro khách hàng nước ngoài sẽ ép giá đối với số hàng tồn kho. 

"Nguy hiểm hơn khi vụ thu hoạch của người dân đang đến gần (tháng 11), nguồn cung dồi dào, nếu hàng không xuất được, nguy cơ giá cà phê đảo chiều sẽ cao", ông Hiệp cho biết.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, giá cà phê thế giới arabica giao sau đã tăng khoảng 45,8% trong năm nay, trong khi giá cà phê robusta tăng 52,2%, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Còn tại Việt Nam, giá cà phê ở thị trường nội địa cũng tăng khoảng 25% lên 40.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Doanh nghiệp lo giá cà phê quay đầu giảm vì không thể xuất hàng - Ảnh 1.

Diễn biến giá cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên, (Số liệu: tintaynguyen.com. Đồ thị: H.Mĩ)

"Lúc này doanh nghiệp Việt Nam không còn tiền để xoay xở. Kho bãi hạn chế nên sức chứa không đủ và khó khăn trong việc luân chuyển hàng hóa", ông Hiệp cho biết.

Tình hình càng trở nên "nóng" hơn khi thị trường dần bước vào những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh ở các nước tiêu thụ lớn như Mỹ và Châu Âu nhằm phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm.

Thêm vào đó, việc Brazil mất mùa cũng là cơ hội lớn để Việt Nam và một số nước khác tận dụng cơ hội để khỏa lấp chỗ trống. 

Do đó, việc không thể xuất hàng đi trong thời gian qua càng khiến doanh nghiệp thêm "nóng ruột".

“Các công ty xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, trong đó bao gồm cà phê xanh ra các cảng. Các công ty trong nước và đối tác nước ngoài đang rất lo lắng”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng Giám đốc TNI King Coffee trả lời trang Fox Business. 

Đứt gãy nguồn cung chỉ là ngắn hạn nhưng dư địa tăng giá không còn nhiều

Việc đứt gãy nguồn cung được một số tổ chức đánh giá là ngắn hạn khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dự địa tăng giá thời gian ngắn hạn không còn nhiều do lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions mới đây nhận định các biện pháp hạn chế do COVID-19 có thể sẽ sớm được dỡ bỏ, chính vì vậy tác động của các biện pháp này gây gián đoạn xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Cũng theo dự báo, hoạt động sản xuất cà phê tại Brazil sẽ hồi phục nhanh chóng với điều kiện thời tiết cực đoan không trở lại.Theo Fitch Solutions, điều này có nghĩa là nguồn cung cà phê toàn cầu có thể bắt đầu tăng trở lại trong niên vụ 2022-2023.

Còn trong ngắn hạn, trái với quan ngại của ông Hiệp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng giá cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng, song mức tăng không lớn. 

Nguồn cung cà phê từ Đông Nam Á chưa cải thiện, nhưng lo ngại kinh tế toàn cầu giảm và lượng giao dịch rất thấp, sẽ kìm hãm đà tăng của giá mặt hàng này.

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, theo Reuters, một số chuyên gia cho rằng việc Brazil mất mùa cà phê arabica hứa hẹn sẽ dần thay đổi khẩu vị cà phê của người tiêu dùng trong vài năm tới, nghiêng nhiều hơn về loại cà phê có vị đắng, hàm lượng caffein cao vốn là đặc trưng của hạt cà phê robusta.

Trong khi đó, đây là lợi thế của Việt Nam khi robusta chiếm tới 90% tổng sản lượng. Đồng thời Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Cà phê robusta của Việt Nam được các nhà rang xay thu mua nhằm phối trộn với cà phê arabica và sản xuất cà phê hòa tan.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Intimex cho biết: "Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch nên giá cà phê rẻ hơn trong khi Brazil mất mùa, giá cao. Việt Nam và Indonesia hai nguồn cà phê có thể bù đắp thâm hụt sản lượng của Brazil. 

Tuy nhiên, sản lượng của Indonesia khá ít nên các nước có thể sẽ đổ dồn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ thuận lợi bởi đây là cơ hội ngành cà phê Việt Nam".

H.Mĩ