Doanh nghiệp kiến nghị được giảm thuế VAT 2% hết năm 2024
Tại Nghị quyết số 44 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương kịp thời xem xét, ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó có việc xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/4.
Việc xem xét gia hạn giảm 2% VAT là nội dung được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm và cũng là kiến nghị mà các chuyên gia đưa ra.
Chị Thắm sống tại Hà Nội cho biết, gia đình chị thường vào siêu thị mua thực phẩm tươi sống và mặt hàng phục vụ cuộc sống hằng ngày như dầu ăn, mắm muối, bột giặt. Số tiền mua thực phẩm mỗi tuần khoảng 2 triệu đồng. Cùng với đó, mỗi tháng, số tiền mua bỉm sữa cho 2 con nhỏ khoảng 2 triệu đồng.
“So với mức VAT 10%, khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút, mức VAT 8% giúp tôi sẽ có thêm một phần tiền để mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hằng ngày”, chị Thắm chia sẻ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho biết không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc gia hạn giảm 2% VAT bởi doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào qua đó giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.
“Việc giảm 2% thuế thời gian qua được xem như một mũi tên trúng ba đích, vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Giảm 2% thuế VAT trong vài năm qua đã cho thấy rõ tác dụng kích thích, tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng.
Năm 2024, những khó khăn vẫn chưa giảm bớt, không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà kể cả với doanh nghiệp có quy mô lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phát triển và thực hiện an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay so với các tháng cuối năm 2023 (mỗi tháng có khoảng 11.000 - 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) số doanh nghiệp rút lui trong quý I lên tới 73.978 doanh nghiệp, gấp hơn 6 lần. Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.
“Những xung đột giữa các nước, những trục trặc trong quan hệ giữa các quốc gia đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng động doanh nghiệp nói riêng”, ông Tuấn nêu rõ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, theo ông Đậu Anh Tuấn, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.
Một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế VAT 2% đến hết năm. Đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.
“Những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít.”, ông Tuấn nêu rõ.