|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp chế xuất lo giảm sức cạnh tranh khi sửa đổi chính sách thuế VAT

16:17 | 08/04/2024
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp trong khu vực chế xuất và xuất khẩu dịch vụ đang đứng trước nỗi lo giảm sức cạnh tranh khi Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% với dịch vụ xuất khẩu.

Hiện nay, dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng GTGT (sửa đổi) đang được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những nội dung đang gây lo ngại lớn trong cộng đồng doanh nghiệp chế xuất là bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

Bởi khi đó, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí, điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều, khiến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác.

Không chỉ vậy, khi áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ, thì các doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng xuất khẩu vẫn được khấu trừ, hoàn thuế. Nhưng đối với các doanh nghiệp chế xuất - vốn là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT - thì lại không có cơ chế được hoàn thuế.

Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa. 

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên mới đây, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho rằng bỏ việc áp thuế GTGT với dịch vụ này chắc chắn sẽ cản trở hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và đầu tư của doanh nghiệp chế xuất, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ này cho doanh nghiệp chế xuất cũng bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi cho rằng cần phải giữ nguyên theo quy định hiện hành là áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ được tiêu dùng trong khu phi thuế quan", ông Hong Sun cho ý kiến.

Tương tự, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) lo ngại về sự suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu dịch vụ khi dự thảo sửa đổi Luật thuế GTGT đang xem xét áp thuế GTGT đối với hầu hết các dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất và dịch vụ cho các tập đoàn nước ngoài.

“Các doanh nghiệp chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu sản phẩm. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường chuỗi cung ứng, chúng tôi hi vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ sửa đổi để các dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất hoặc các tập đoàn nước ngoài sẽ được hưởng thuế GTGT 0% bất kể nơi tiêu thụ", JCCI góp ý.

Cần được cân nhắc trước khi xem xét, thông qua

Nhìn nhận vấn đề này, chia sẻ với Báo Chính phủ, bà Nguyễn Hải Vân, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, trong Luật Thuế GTGT (sửa đổi), nhóm đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 0% (áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu) đã bị thu hẹp và thậm chí, đã loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất. Vô hình chung, các doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất sẽ phải xuất hóa đơn GTGT 10%.

Vấn đề này đi ngược lại nguyên lý địa điểm tiêu dùng trong thuế GTGT (cung cấp cho khu phi thuế quan, tương đương xuất khẩu), dẫn tới doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận giá trị thuế GTGT lớn vào chi phí do không có cơ chế hoàn. Hệ quả là dòng tiền của các doanh nghiệp chế xuất bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh giảm, dẫn đến tình trạng lỗ do tỷ suất lợi nhuận thường nhỏ hơn 10%.

"Việc loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ngay lập tức sẽ gây ra ảnh hưởng tài chính sâu rộng và tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư", bà Vân quan ngại.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động kinh doanh đã lựa chọn chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp không hưởng chính sách doanh nghiệp chế xuất thành doanh nghiệp chế xuất. Trường hợp này, doanh nghiệp phát sinh số dư thuế GTGT đầu vào lớn chưa được khấu trừ chuyển kỳ sau cần xử lý và làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.

Tuy nhiên, Luật thuế GTGT hiện nay không có cơ chế rõ ràng để xử lý thuế đối với trường hợp hoàn thuế trong giai đoạn chuyển đổi và sau khi trở thành doanh nghiệp chế xuất.

Do đó, doanh nghiệp không được hoàn thuế và đồng thời, không thể tiếp tục khấu trừ thuế GTGT đầu vào sau chuyển đổi.  Số dư thuế GTGT đầu vào buộc phải ghi nhận một lần vào chi phí trong kỳ hoặc vốn hóa vào nguyên giá tài sản cố định, dẫn đến tăng chi phí trong năm tính thuế của doanh nghiệp, tăng giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

"Nội dung này cần được cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi trước khi được xem xét thông qua trong thời gian tới", bà Vân nêu rõ.

Ngọc Bảo

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.