|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Bolat Duisenov: DN hưởng lợi từ xu hướng FDI gia tăng, doanh thu từ FDI của Conteccons đã tăng 50%

16:43 | 26/03/2024
Chia sẻ
Theo ông Bolat Duisenov, trong ba năm tái cấu trúc, Conteccons đã dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược kinh doanh sang đón đầu làn sóng FDI. Doanh thu từ khu vực này đã tăng khoảng 50%.

Bàn về dòng vốn FDI tại Phiên thảo luận "Cơ hội dành cho doanh nghiệp từ những chuyển biến vĩ mô" tại Hội thảo Nhận diện điểm sáng Kinh doanh và Đầu tư 2024 sáng 26/3, các chuyên gia đánh giá vốn FDI đang đổ mạnh vào Việt Nam.

Dẫn số liệu giải ngân vốn FDI trong hai tháng đầu năm 2023 đạt gần 10%, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết "đây là con số chưa từng có". Thông thường, giải ngân vốn đầu tư FDI chỉ tăng khoảng 2 - 3 %.

Khu vực FDI chiếm tới 70 - 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và trên 20% tổng đầu tư toàn xã hội. Trong những năm gần đây, tăng trưởng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng tốc tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.

Ba yếu tố mà doanh nghiệp FDI quan tâm

Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc khối Quản lý và tư vấn giải pháp thanh toán toàn cầu Ngân hàng HSBC Việt Nam. (Ảnh: BTC).

Đánh giá về những yếu tố mà nhà đầu tư FDI quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam, bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc khối Quản lý và tư vấn giải pháp thanh toán toàn cầu HSBC Việt Nam, cho biết không chỉ doanh nghiệp FDI mà tất cả doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một nơi nào đó sẽ nhìn đầu tiên là các yếu tố kinh tế vĩ mô có ổn định hay không. Kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế mở là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm hàng đầu.

Điều thứ hai mà nhà đầu tư quan tâm là các chính sách thu hút, ưu đãi và yếu tố để họ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Khi đầu tư, các doanh nghiệp FDI rất quan tâm chi phí. Trong đó, một trong những chi phí lớn nhất của doanh nghiệp là nguồn nhân lực, chất lượng và giá nhân công của Việt Nam có cạnh tranh hay không,...

Gần đây, sự dịch chuyển đầu tư các ngành công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hay chưa cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm.

Theo bà Thuỳ, Việt Nam có vị trí kề bên một nước láng giềng có nguồn lực lớn, đó cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm tới. Với các xu hướng mới, nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa, đặc biệt là trong sản xuất.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons. (Ảnh: BTC).

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons cũng cho rằng Việt Nam có lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều cam kết ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm khiến nhà đầu tư lo lắng và quan ngại.

"Trong vòng 15 năm làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy thủ tục hành chính để cấp giấy phép đầu tư là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, trong những năm qua, khó khăn này đã được tháo gỡ rất nhiều và vẫn còn nhiều dư địa để tháo gỡ hơn nữa", ông Bolat Duisenov nói. 

Sau khi xin được giấy phép của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp FDI mới tìm đến các công ty xây dựng để triển khai cơ sở hạ tầng cho dự án.

Cũng giống như bà Thuỳ, ông Bolat Duisenov đánh giá yếu tố thứ hai mà các doanh nghiệp FDI lo lắng là chất lượng nguồn nhân lực.

"Họ lo lắng về nhân sự có giỏi không, có lành nghề không? Sau lực lượng lao động thì lo lắng tiếp theo là các nhà cung cấp. Nhiều công ty FDI trước đây mang theo đội ngũ cung cấp của họ sang Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn của họ nhưng việc này đã dần ít đi", Chủ tịch Conteccons cho hay.

Những nút thắt cổ chai ở từng vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm là những cơ hội để Việt Nam giải quyết vấn đề. Bằng việc vượt qua được những thách thức thì những gì họ lo lắng, nhức đầu để giải quyết sẽ đều là cơ hội cho Việt Nam tăng giá trị của mình lên.

Phiên thảo luận "Cơ hội dành cho doanh nghiệp từ những chuyển biến vĩ mô" tại Hội thảo Nhận diện điểm sáng Kinh doanh và Đầu tư 2024 sáng 26/3. (Ảnh: BTC).

Doanh nghiệp được hưởng lợi từ FDI

Không chỉ doanh nghiệp chế biến, chế tạo các doanh nghiệp dịch vụ, xây dựng cũng được hưởng lợi từ dòng vốn FDI chảy mạnh.

Theo ông Bolat Duisenov, Coteccons đã nhìn thấy cơ hội trong ba năm tái cấu trúc. "Chúng tôi đã dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược kinh doanh sang đón đầu làn sóng FDI. Doanh thu của Coteccons từ khu vực này đã tăng khoảng 50%", ông Bolat Duisenov cho biết.

Ông đánh giá, dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của họ như xây dựng, logistics, cung ứng,…

Mặc dù bức tranh kinh tế thế giới gần đây có những mảng xám, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều tập đoàn FDI lớn nhưng không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội thu hút vốn FDI từ đó mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước.

Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cũng chia sẻ trong 3 - 4 năm gần ACB đã tập trung vào nhóm khách hàng này, chuẩn bị hạ tầng để phục vụ. Có tới 49.000 khách hàng FDI nhưng chiếm tới 70% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nhu cầu dịch vụ tài chính của họ cũng rất lớn.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.