|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ACB: Ngân hàng Việt có lợi thế hơn hẳn ngân hàng ngoại khi phục vụ doanh nghiệp FDI

10:10 | 26/03/2024
Chia sẻ
Theo đại diện ACB, nhờ lợi thế am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, con người Việt Nam và nhất là mạng lưới hoạt động rộng, các ngân hàng nội đang đang có lợi thế hơn hẳn so với ngân hàng nước ngoài trong việc trở thành đối tác doanh nghiệp FDI.

 Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu. (Ảnh: BTC).

Ngày 26/3, tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” do CafeF tổ chức, ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB), đã nhận định rằng ngân hàng Việt đang có lợi thế hơn hẳn ngân hàng ngoại trong việc phục vụ khách hàng FDI có quy mô vừa.

Ông Long cho biết, khi nói về ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp FDI thì chúng ta thường nghĩ ngay đến ngân hàng ngoại, ngân hàng đến từ quốc gia của những doanh nghiệp này.

“Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng Việt cũng đã đầu tư nguồn lực, công nghệ và chính sách phù hợp cho phân khúc FDI, nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, ông nói. 

Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc ACB nhận định rằng nhóm doanh nghiệp FDI quy mô vừa, với doanh thu từ 50 triệu USD đến 80 triệu USD hàng năm trở xuống, có địa bàn hoạt động trải dài nhiều tỉnh thành sẽ rất phù hợp khi có mối quan hệ hợp tác với ngân hàng Việt Nam.

“Với lợi thế am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, con người Việt Nam và nhất là mạng lưới hoạt động rộng, các ngân hàng nội đang đang có lợi thế hơn hẳn so với ngân hàng nước ngoài và trở thành đối tác doanh nghiệp FDI”, ông nhận định.

Nhận xét chung về tình hình thu hút FDI, ông Long cho rằng Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. 

Đại diện ACB cho biết, trong năm 2023, vốn FDI đến khu vực châu Á sụt giảm tới 12% so với năm 2022. Trong đó, FDI vào các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%. 

Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới. Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt nam. 

Với nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế chính trị xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực thì dự kiến vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, Phó Tổng Giám đốc ACB nhận định.

Với góc nhìn của ACB, đây thực sự là những con số ấn tượng. Và nhờ dòng vốn này, ngân hàng nội cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để đồng hành cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng đối với các doanh nghiệp FDI.

Minh Quang