Doanh nghiệp gia đình: Trăn trở tìm người kế nghiệp
Theo các chuyên gia, không ít gia đình doanh nhân ở Việt Nam gặp khó khăn vì xung đột quan điểm do mỗi người có cá tính khác nhau, khiến việc tìm người kế nghiệp, chuyển giao quyền lực sang thế hệ thứ 2, 3 gặp khó khăn.
Xung đột, mâu thuẫn giữa các thế hệ
Bà Vũ Kim Hạnh, Phó chủ tịch CLB doanh nghiệp (DN) Dẫn đầu (LBC), cho rằng nhiều khi con không tiếp nhận cơ nghiệp của cha mẹ hoặc cha mẹ thường bị chi phối bởi định kiến và mặc nhiên không chấp nhận con cái khác ý, làm trái ý mình….
Đang sở hữu, quản lý một DN gia đình và có ý định thực hiện kế hoạch chuyển gia cho thế hệ tiếp theo, ông Trần Phong Lan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SeaCorp, nhìn nhận sự khác biệt về quan điểm giữa các thế hệ là bài toán gần như công ty gia đình nào cũng phải giải quyết.
Ở mặt tích cực, hiện phần lớn con em của các doanh nhân đều đi học nước ngoài nên khi về tiếp quản công ty sẽ có lợi thế về kiến thức hội nhập, quan hệ quốc tế… Nhưng ngược lại, mâu thuẫn do sự khác biệt giữa môi trường quốc tế và trong nước, văn hoá thế hệ.
Ông Trần Phong Lan cho rằng có khi người được chuyển giao mới cảm thấy gánh nặng lớn... Ảnh: Lam Giang
"Có khi, người trong cuộc - người được chuyển giao quyền lực và công ty mới cảm thấy gánh nặng trách nhiệm quá lớn, làm sao vượt qua cái bóng của cha ông mình. Sáng nghiệp đã khó, bảo nghiệp còn khó hơn. Tôi cảm thấy chuyện đặt lên vai thế hệ con cháu rất mệt mỏi, đó là gánh nặng và tôi may mắn là người… sáng nghiệp. Chưa kể gánh nặng đặt lên vai khi họ chưa sẵn sàng, dẫn đến những gãy đổ đáng tiếc" - ông Trần Phong Lan chia sẻ.
Lựa chọn nhà lãnh đạo phù hợp là yếu tố quan trọng quyết định khả năng thành công lâu dài đối với một DN. Nhưng tại sao nhiều công ty gia đình vẫn chưa xây dựng được một kế hoạch kế nhiệm hiệu quả? Theo thống kê của Tổ chức DN Gia đình của Mỹ, các công ty gia đình chiếm 2/3 tổng số DN trên toàn thế giới và đóng góp tới 70-90% GDP toàn cầu mỗi năm. Dù vậy, theo báo cáo kinh doanh toàn cầu của Grant Thornton Quốc tế, có đến 1/3 chủ DN vẫn chưa nghĩ đến ai sẽ là người kế nhiệm trong tương lai.
Lập nghiệp khó, giữ nghiệp là khó nhất
Bà Trịnh Thị Tuyết Anh, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Grant Thornton Việt Nam, phân tích những giá trị kế thừa được xây dựng bởi ban quản lý hiện tại nên được truyền lại cho thế hệ trẻ để tiếp nhận và thực hiện theo xu hướng công nghệ mới. Đây là cách để duy trì sự phát triển ổn định, bảo đảm cho DN không bị ảnh hưởng trong giai đoạn tái cơ cấu và chuyển đổi.
"Và tất cả bên liên quan cần đồng thuận rằng mục tiêu cuối cùng là DN vận hành hiệu quả và thuận lợi. Ngay cả trong văn hóa truyền thống, khi mà con cái trong gia đình hiển nhiên sẽ kế thừa, các DN vẫn nên lập kế hoạch đề cử người thực sự có năng lực để đảm nhận chức vụ CEO" - bà Trịnh Thị Tuyết Anh nói.
Ông chủ ABC Bakery đã bắt đầu chuyển giao quyền lực cho các con từ nhiều năm nay. Ảnh: DNSG
Tại Công ty ABC Bakery, chuyện kế nhiệm và chuyển giao quyền lực đã được CEO của DN này triển khai từ nhiều năm trước. Hai cô con gái của ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery, đều du học ở nước ngoài và về hỗ trợ công ty từ nhiều năm trước. Ông chia sẻ, mời các con cùng về làm ăn, quản lý chung, chắc chắn sẽ có mâu thuẫn, lúc đầu chắc chắn sẽ khó khăn.
"Như ở gia đình tôi, những kinh nghiệm của tôi sẽ kết hợp với hiểu biết về công nghệ mới các con học được từ nước ngoài rồi dung hoà cho phù hợp với thực tế hiện tại. Khuyến khích các con về làm ăn chung thì phải cho thấy được tương lai, đồng thời, cũng cần bỏ tư duy xưa nay ba chịu khó chịu cực thì con cũng phải như vậy, là không ổn. Cần phải thay đổi tư duy, khuyến khích cho các con ở nước ngoài về, mạnh dạn giao nhiệm vụ, thường xuyên cha con có trao đổi" – ông Kao Siêu Lực nói.
Hiện nay, 2 đứa con gái của ông đều đang làm tại công ty gia đình, được ông sắp xếp công việc dựa trên thế mạnh của từng người. Quan điểm là không cho làm cùng một việc vì dễ "giẫm chân" lên nhau, sẽ rất khó để từng người thể hiện năng lực. ABC Bakery ngày càng lớn mạnh và trở thành DN có thương hiệu lớn trong lĩnh vực bánh, cả trong nước và xuất khẩu. Vậy công ty có ý định chia tách thành những công ty riêng để mỗi con điều hành một DN?
"Cũng có người hỏi tôi câu này, và thực tế bạn tôi cũng từng làm như vậy khi DN lớn mạnh. Nhưng sau khi chia tách thì mỗi công ty của từng người con lại cạnh tranh quyết liệt với nhau. Do đó, tôi cho rằng không nên chia tách mà cùng nhau phát triển công ty. Hiện với DN tôi, 2 đứa con đã về. Các con áp dụng công nghệ vào công việc của gia đình đã chạy từ nhiều năm nay. Con gái lớn mạnh về marketing nên phụ trách về quảng bá, quan hệ khách hàng; con gái nhỏ mạnh về kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Lập nghiệp cũng khó, nhưng giữ phần nghiệp của gia đình là khó nhất" - ông chủ ABC Bakery đúc kết.
Cần lập kế hoạch chuyển giao sớm và bài bản
Theo các chuyên gia của Grant Thornton Việt Nam, để chọn lựa người kế nghiệp hiệu quả, các công ty gia đình nên bắt đầu từ sớm và có cách tiếp cận bài bản. Công ty hiện đang ở giai đoạn nào; cần làm gì để phát triển công ty; cách thức lãnh đạo nào là phù hợp; và điều đó đã có sẵn trong gia đình chưa hay phải tìm kiếm ở bên ngoài? Việc lập kế hoạch kế nhiệm cần được nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc; được tổ chức và cơ cấu thật vững chắc để bảo đảm sự thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sự bền vững của DN cho các thế hệ kế thừa.