|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp địa ốc thu hơn 14 tỷ trong quý II, phải trả lãi vay 63 tỷ đồng

13:23 | 15/07/2024
Chia sẻ
Doanh thu quý II của Năm Bảy Bảy chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu là do doanh thu kinh doanh bất động sản sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

BCTC hợp nhất quý II/2024 của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) hạch toán doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng bất động sản chỉ ghi nhận hơn 6 tỷ đồng, giảm 96%, mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ đem về hơn 8 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 58,5% về gần 35%.

Ở hoạt đồng tài chính, doanh thu trong quý này của doanh nghiệp cao gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 76 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản hợp tác đầu tư và lãi tiền gửi. Chi phí lãi vay dù đã giảm 35% so với cùng kỳ nhưng vẫn tương đối lớn, ghi nhận gần 63 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm, quý này lãi ròng của Năm Bảy Bảy tăng nhẹ 3%, đạt hơn 507 triệu đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt 42 tỷ đồng doanh thu thuần và 607 triệu đồng lãi ròng, lần lượt giảm 78% và 18%.

(H.L tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý II/2024 của Năm Bảy Bảy).

Tính đến 30/6, tổng tài sản sản của Năm Bảy Bảy gần 1.720 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, chủ yếu tăng hàng tồn kho và các khoản phải thu dài hạn.

Cụ thể, phải thu dài hạn tăng 31% lên gần 2.700 tỷ đồng, trong đó hơn 2.626 tỷ đồng là khoản phải thu vốn góp hợp tác đầu tư, bao gồm: Hợp tác với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) tại hai dự án cao ốc 152 Điện Biên Phủ (1.150 tỷ đồng) và Xa Lộ Hà Nội (hơn 857 tỷ đồng); hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm tại các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (hơn 619 tỷ đồng). 

Giá trị hàng tồn kho ghi nhận hơn 1.795 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản dở dang, tập trung chủ yếu tại Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi (1.027 tỷ) và Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (612 tỷ). Năm Bảy Bảy đã nhận hơn 1.900 tỷ đồng tiền góp vốn hợp tác đầu tư từ CII để phát triển dự án De Lagi, trong đó khoản đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng, riêng khoản đầu tư 485 tỷ đồng có thời hạn đến ngày 13/12/2030. 

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 5.901 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm 3.075 tỷ đồng, giảm 16%.

Dòng tiền kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp tiếp tục âm gần 360 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 82 tỷ đồng).

Thông tin từ Năm Bảy Bảy cho biết, trong năm 2023 vừa qua, công ty tiếp tục đầy mạnh tiến độ pháp lý, đền bù, thi công của các dự án trọng điểm gồm Sơn Tịnh, De Lagi, NBB II, NBB Garden III. Đến nay đã cơ bản giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý của các dự án De Lagi, NBB II, NBB Garden III.

Trong năm 2024, doanh nghiệp cho biết đối với dự án Diamond Riverside sẽ hoàn thành tính tiền sử dụng đất. Đối với dự án NBB II sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng dự án. Đối với dự án NBB Garden III sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng dự án.

Đối với dự án De Lagi – Bình Thuận sẽ thi công san lấp và hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích đã được nhà nước giao đất; hoàn tất công tác kiểm kê, đền bù dự án trên phần diện tích đất còn lại chưa giao. Đối với dự án Sơn Tịnh – Quảng Ngãi sẽ tiếp tục công tác bồi thường, thi công xây dựng hạ tầng và kinh doanh. 

Công Tâm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.