Doanh nghiệp địa ốc đua gọi vốn ngoài ngân hàng
Mới đây nhất, thông tin từ báo chí quốc tế (trang tin Pulse News) cho biết Tập đoàn Novaland vừa nhận khoản vốn đầu tư 100 triệu USD của Shinhan Investment.
Cụ thể, Tập đoàn Tài chính Shinhan (Hàn Quốc) đã thông qua Shinhan Investment thành lập một quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư vào Novaland. Giá trị ban đầu của quỹ này là 100 triệu USD.
Quỹ đầu tư tư nhân này sẽ mua lại cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của Novaland và dự kiến tiến hành một nghiên cứu tại Việt Nam với sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư Hàn Quốc vào cuối tháng 8/2017 trước khi chính thức thành lập.
Trước đó, Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) cho biết đã huy động thành công 100 triệu USD vốn đầu tư qua hình thức bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án bất động sản do đơn vị này thực hiện. Đây là lần thứ 2 SonKim Land thực hiện thành công việc huy động vốn đầu tư quốc tế thông qua EXS Capital - tập đoàn đầu tư độc lập tại thị trường châu Á, ACA Investments - công ty quản lý quỹ hàng đầu của Nhật Bản và Quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund.
Cũng huy động được một số vốn “khủng” không kém mà không cần thông qua kênh ngân hàng đó là trường hợp của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long khi gọi vốn đầu tư Dự án Mizuki Park rộng 40 ha tại quận Bình Chánh, TP HCM. Theo đó, bằng hình thức liên doanh với 2 đối tác Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, hồi tháng 4/2017, Công ty Nam Long đã huy động thành công 50% trong tổng số 348 triệu USD để đầu tư dự án trên. Đây là một trong những dự án quan trọng nhất của Nam Long trong giai đoạn 2017-2024.
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư. |
Hồi tháng 5 vừa qua, Hongkong Land cũng hợp tác thành công với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) trong việc nắm giữ 64% cổ phần để phát triển các dự án nhà ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh việc huy động vốn từ việc liên doanh với các đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp địa ốc còn tìm cách tăng vốn bằng việc phát hành thêm cổ phiếu.
Chẳng hạn, tại ĐHCĐ hồi tháng 3/2017 của CEO Group, các cổ đông công ty này đã nhất trí thông qua kế hoạch phát hành 51 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn lên 1.544 tỷ đồng.
Số tiền thu được là 514,68 tỷ đồng được dùng để đầu tư vào các dự án khả thi của công ty (357,8 tỷ đồng - gồm đầu tư vào Dự án Sonasea Residences - Phú Quốc 90 tỷ đồng, đầu tư vào dự án Sunny Garden City 100 tỷ đồng và đầu tư 167,8 tỷ đồng vào dự án River Silk City giai đoạn II+III); góp vốn vào các công ty con (66,88 tỷ đồng); còn lại 90 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) trước đó cũng đã ký nghị quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ của Tập đoàn từ hơn 2.530 tỉ đồng lên gần 3.033 tỉ đồng.
Đợt tăng vốn được thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, DXG phát hành gần 33 triệu cổ phiếu để thanh toán cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 13%. Vốn điều lệ tăng thêm tương ứng khoảng 329 tỉ đồng. Ở giai đoạn 2, công ty tiếp tục phát hành hơn 14,3 triệu cổ phần tạm ứng cổ tức năm 2017 và 3 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên trong doanh nghiệp. Tổng vốn điều lệ tương ứng tăng thêm sau giai đoạn này gần 173 tỉ đồng.
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết, các công ty địa ốc đang đứng trước áp lực rất lớn về dòng vốn sau khi các ngân hàng siết tín dụng.
Bởi theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN, kể từ đầu tháng 1/2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 60% xuống 50%, đồng thời hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư 36 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng mức áp dụng là 90%.
Từ ngày 1/1/2019, mức áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
"Như vậy có thể thấy việc cho vay tín dụng bất động sản của các ngân hàng thương mại đang ngày càng được siết chặt, điều này đè nặng lên áp lực vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản phải đua nhau tìm cách huy động vốn từ các nguồn ngoài nhà bằng là một xu hướng tất yếu", ông Châu nói.
Cũng liên quan tới vấn đề nguồn vốn cho thị trường bất động sản, HoREA vừa qua đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về việc giữ nguyên tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 50% thay vì giảm về mức 45% từ 1/1/2018 và về mức 40% từ 1/1/2019.
Theo một chuyên gia bất động sản, có nhiều cách để huy động vốn cho các dự án bất động sản nhưng phổ biến nhất thì có 4 cách. Thứ nhất, đó là huy động vốn từ ngân hàng và khách hàng. Thứ hai đó là "chứng khoán hóa" các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Hiện nay, lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư rất lớn nhưng việc thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản vẫn còn hạn chế. Lý do là bởi sản phẩm bất động sản có giá trị lớn, trong khi vốn nhàn rỗi của người dân thường lại nhỏ lẻ nên khó có thể tham gia vào được. Do đó, giải pháp được xem là hữu hiệu nhất trong việc huy động vốn nhà rỗi chính là phải làm sao “chứng khoán hóa được các dự án bất động sản”. Thứ ba, hình thành quỹ đầu tư tín thác cho thị trường bất động sản. Đây là mô hình mà nhà đầu tư ủy thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư vốn vào bất động sản để kiếm lời. Quỹ sẽ hoạt động theo phương thức khai thác thị trường bất động sản, tìm cách sử hữu và điều hành khai thác bất động sản để tạo thu nhập, đồng thời có thể cho chủ sở hữu bất động sản hoặc những người khác vay tiền và cũng có thể mua lại các khoản nợ hoặc chứng khoán được đảm bảo bằng bất động sản… Chứng chỉ quỹ đầu tư tín thác sẽ có tính chất nửa như trái phiếu, nửa như cổ phiếu và người nắm giữ được nhận lợi tức định kỳ nhưng không tham gia quản lý đầu tư. Thứ tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. Đây sẽ là một kênh huy động vốn cũng như kêu gọi đầu tư vào bất động sản khá hiệu quả nếu chúng ta biết tranh thủ thời cơ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các địa phương cần ban hành quy chế thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản để có thể đảm bảo hoặc thanh toán chi phí xây dựng bên ngoài hàng rào, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, có chính sách một giá với các dịch vụ… |