|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may loay hoay đầu tư dự án 'thượng nguồn'

21:17 | 11/08/2019
Chia sẻ
Suất đầu tư cao, nhà đầu tư không mặn mà, không ít địa phương e ngại ô nhiễm môi trường… là những lý do khiến ngành dệt may Việt Nam luôn trong tình trạng… thiếu vải để phục vụ xuất khẩu.
Doanh nghiệp dệt may loay hoay đầu tư dự án 'thượng nguồn' - Ảnh 1.

Có thể thấy một thực tế hiện nay của ngành dệt may là các dự án sản xuất ra nguyên liệu từ sợi, vải, phụ liệu như khóa, cúc, chỉ, mex… vẫn rất thiếu vắng.

Phát triển không cân đối

Là ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây đều đạt 2 con số, dệt may dù đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư mở rộng quy mô ngành, nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu vải.

Năm 2018, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 36,2 tỷ USD, nhưng riêng chi nhập khẩu nguyên phụ liệu lên tới 23,6 tỷ USD, trong đó, chi 12,8 tỷ USD nhập khẩu vải; 5,47 tỷ USD nhập nguyên phụ liệu dệt may các loại; 3 tỷ USD nhập bông và 2,419 tỷ USD nhập xơ sợi dệt các loại.

Những con số trên cho thấy khá rõ bức tranh nội địa hóa ngành dệt may. “Đau đầu” nhất là tình trạng chi nhập khẩu vải quá lớn, khiến ngành sản xuất vẫn được cho là sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi loạt FTA thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực rất khó tận dụng ưu đãi.

Sau khi EVFTA được ký kết và CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, những lợi ích kỳ vọng với ngành dệt may đã được mổ xẻ, cho thấy một thực tế khá trái ngược bởi sự phát triển không cân đối của ngành sản xuất này. 

Khâu “thượng nguồn”, tức là các dự án sản xuất ra nguyên liệu từ sợi, vải, phụ liệu như khóa, cúc, chỉ, mex… vẫn rất thiếu vắng. Đây là nguyên nhân khiến mức chi nhập khẩu không ngừng tăng lên khi xuất khẩu tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhấn mạnh, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD trong năm 2018, nhưng tỷ trọng khối FDI đóng góp tới 65%. 

“Quy mô ngành lớn là vậy, nhưng dễ bị tổn thương, sản xuất còn bị “thắt cổ chai” bởi phần lớn lượng vải phục vụ làm hàng xuất khẩu và nội địa đều phụ thuộc nhập khẩu, nên giá trị gia tăng không lớn”, ông Tuấn nói.

Những năm qua, nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và chính sách ưu đãi, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp dệt may. Nhưng, phần lớn doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam (cả doanh nghiệp trong nước và FDI) chỉ tập trung đầu tư sợi, may, chưa mặn mà với nhuộm, hoàn tất vải....

Do khâu sản xuất vải không phát triển, mà mấu chốt là mảng nhuộm, nên 2/3 lượng sợi sản xuất ra phải xuất khẩu. Để tháo gỡ “nút thắt” này, vẫn phải đầu tư sản xuất vải.

“Nếu không có vải, một loạt FTA thế hệ mới đã ký kết, với điều kiện xuất xứ từ vải trở đi sẽ bị giảm giá trị rất nhiều. Bởi vậy, ngành dệt may cần có chiến lược đầu tư sản xuất vải, muốn thế thì phải có các khu công nghiệp để hút vốn FDI, vốn trong nước vào nhuộm, có nhuộm rồi, thì mới có vải. Chiến lược phát triển ngành dệt may trong thời gian tới chắc chắn phải lấy trọng tâm là sản xuất vải”, ông Tuấn đề nghị.

Nhà đầu tư nản, địa phương cũng không mặn mà

Yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” theo quy định của CPTPP và “từ vải trở đi” theo EVFTA sẽ thúc đẩy ngành dệt may phải chuyển hướng đầu tư sản xuất dệt, sợi và công nghiệp phụ trợ cho ngành, nhưng để triển khai lại vô cùng khó khăn.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã nhấn mạnh nhiều lần tại các hội thảo về cơ hội của dệt may trong các FTA thế hệ mới rằng, khi các nhà đầu tư vừa có ý định làm dệt, nhuộm hoàn tất, các địa phương đã lắc đầu, thì không thể hóa giải được câu chuyện thiếu hụt nguyên phụ liệu.

“Đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải sản xuất để chủ động được vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công”, ông Giang lưu ý.

Theo VITAS, những năm qua, nhiều nhà đầu tư tham gia vào ngành dệt may, nhưng chủ yếu vẫn vào khâu may mặc hoặc kéo sợi, rất ít đầu tư vào khâu dệt vải, nhuộm và hoàn tất vải.  

Một số dự án lớn, kỳ vọng khỏa lấp thiếu hụt nguồn cung vải đã bị địa phương từ chối do nhà đầu tư chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về công nghệ, còn một số địa phương lại không đáp ứng đủ nguồn nước cho nhu cầu xử lý hoàn tất vải.

Đơn cử, sau một thời gian dài đặt vấn đề đầu tư, dự án dệt - nhuộm trị giá 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông), đề xuất đầu tư tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã không nhận được cái “gật đầu” từ địa phương này, do phía địa phương lo ngại về công nghệ sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ dự án dệt, nhuộm đầu tư mới bị từ chối, cả những dự án xin nâng tỷ lệ nhuộm cũng không được phê duyệt ở một số địa phương. Trước những khó khăn về nguyên phụ liệu dệt may, vừa qua, văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công thương nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này làm việc với các địa phương để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho ngành.

Đại diện VITAS cho rằng, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt, thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

"Một số doanh nghiệp dệt may đang gặp vướng mắc khi đầu tư nhà máy sợi. Phần lớn các địa phương từ chối cấp phép cho dự án dệt nhuộm của doanh nghiệp dệt may vì lo ngại yếu tố môi trường. Đây là điểm bất lợi và có thể ảnh hưởng tới sản xuất ngành dệt may khi EVFTA có hiệu lực, với các quy định chặt chẽ về xuất xứ từ vải".

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương

Thế Hải