|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong tháng 1, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất

17:05 | 09/02/2022
Chia sẻ
Trong tháng 1/2022, gần 22.710 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành ở thị trường trong nước, tăng 41,24% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất trong tháng 1 đạt 15.700 tỷ đồng.

Báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ tháng 1 của Chứng khoán MB (MBS) cho biết trong tháng 1/2022 đã có 22.709,9 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành ở thị trường trong nước. 

Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất trong tháng 1 đạt 15.700 tỷ đồng. Theo sau là nhóm ngành xây dựng với 3.500 tỷ đồng và ngân hàng với 2.400 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành 15.700 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1/2022 - Ảnh 1.

Nguồn: HNX, FiinPro, MBS tổng hợp.

Trong tháng 1/2022, CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side là doanh nghiệp phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 3.930 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là CTCP Đầu tư Xây Dựng Tường Khải với 2.990 tỷ đồng. 

Nhóm các doanh nghiệp phát hành trên 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1 còn bao gồm: CTCP Xây dựng Minh Trường Phú (2.950 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (xấp xỉ 2.209 tỷ đồng), CTCP Hưng Thịnh Investment (2.000 tỷ đồng), CTCP Phát triển Đất Việt (1.600 tỷ đồng),...

Ngoài ra, CTCP Bamboo Capital phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất là 11,5%/năm. Hai doanh nghiệp khác là CTCP Du lịch Thành Thành Công và Ngân hàng TMCP Bản Việt cũng phát hành trái phiếu với lãi suất cạnh trạnh ngay tháng đầu năm, lần lượt là 9,5%/năm và 8,6%/năm.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành 15.700 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1/2022 - Ảnh 2.

Nguồn: HNX, FiinPro, MBS tổng hợp.

Theo tổng hợp mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổng giá trị phát hành của TPDN trong tháng 1/2022 đạt 22.710 tỷ đồng, tăng 41,24% so với cùng kỳ. 

Công ty chứng khoán này cho rằng mức tăng mạnh so với cùng kỳ có được do trong tháng 9/2020, Nghị định số 81 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành, thắt chặt hơn các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ đã khiến cho lượng phát hành TPDN trong các tháng ngay sau đó giảm sút đáng kể. 

Trong các tháng cuối năm 2021, các cơ quan chức năng đã thực hiện một số các biện pháp giúp hạn chế rủi ro cho thị trường TPDN, bao gồm thắt chặt 1 số điều kiện giao dịch TPDN đối với các tổ chức tín dụng, cũng như việc Chính phủ tăng cường quản lý, thanh tra và kiểm tra phát hành TPDN. 

Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ. Những động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giảm rủi ro tăng nóng và vỡ nợ cho thị trường TPDN, giúp cho thị trường này có được sự phát triển bền vững hơn, BVSC nhận định.

Phương Nga

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.