|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp đầu mối vi phạm dự trữ xăng dầu, gây gián đoạn nguồn cung

07:54 | 06/01/2024
Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc doanh nghiệp đầu mối không dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc theo quy định đã gây gián đoạn nguồn cung trong thời gian vừa qua.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó có vấn đề dự trữ xăng dầu.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của năm trước liền kề.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến ngày 30/9/2022, có 15/34 (số kiểm tra là 15/15) thương nhân đầu mối (chiếm 90% thị phần xăng dầu tiêu thụ trong nước) dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu thiếu về số tháng trong năm, số ngày trong tháng với tổng sản lượng xăng dầu dự trữ thiếu hơn 1 triệu tấn/m3.

Đặc biệt trong 9 tháng/2022, có 9/15 thương nhân đầu mối dự trữ xăng thiếu 5 - 9 tháng/9 tháng và có 8/15 thương nhân đầu mối dự trữ dầu thiếu 6 - 9 tháng/9 tháng.

6/15 thương nhân đầu mối dự trữ xăng thiếu 8 - 13 ngày/20 ngày và có 4/15 thương nhân đầu mối dự trữ dầu thiếu 8 - 14 ngày/20 ngày.

Thanh tra Chính phủ kết luận điều này dẫn đến không đủ xăng dầu dự trữ để bán ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bình ổn thị trường khi nguồn cung khan hiếm. Đây là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian qua.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày. (Ảnh: Hoàng Anh)

Thanh tra Chính phủ nhận định Bộ Công Thương đã quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, dẫn đến không khắc phục được việc các thương nhân đầu mối dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu thiếu trong nhiều năm, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng.

Hoàng Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.