Doanh nghiệp chật vật với bài toán tiếp cận vốn mùa cuối năm
Do vậy, nhu cầu vay vốn lớn hơn bao giờ hết và tín dụng ngân hàng cũng thường tăng cao trong quý IV. Thế nhưng, năm nay câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn, do chính sách thắt chặt cũng như tác động của vấn đề trái phiếu lên thanh khoản nền kinh tế.
Lãi vay cao nhưng vẫn khó tiếp cận
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp đã làm hồ sơ gửi để xin hỗ trợ giảm lãi.
Tuy nhiên, gần nửa năm nay doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được phản hồi kết quả từ phía ngân hàng thương mại này mà chỉ nói cần chờ thêm thời gian. Dù Bidrico có hồ sơ tín dụng tốt và cũng được phía ngân hàng cho biết đủ điều kiện hỗ trợ.
“Không chỉ gói cấp bù lãi suất khó tiếp cận, mà các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay mới ở thời điểm này. Đây là lúc doanh nghiệp rất cần vốn cho mùa sản xuất cuối năm nhưng các ngân hàng đều thông báo hết hạn mức tín dụng”, ông Hiến cho biết.
Đại diện Hội Lương thực – Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết, các doanh nghiệp đang rất chật vật trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Dù doanh nghiệp chấp nhận lãi vay cao, nhưng vẫn không thể vay được, huống gì là việc tiếp cận lãi vay ưu đãi 2%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành này cũng đang gặp nhiều khó khăn, do nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, kéo giá thành sản phẩm gia tăng, trong khi thu nhập của người tiêu dùng giảm dẫn đến sức mua không tốt như kỳ vọng.
Ở ngành du lịch, hoạt động du lịch đang dần hồi phục sau thời gian “đóng băng” do dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, nhiều khả năng chỉ tiêu khách quốc tế không đạt kế hoạch trong năm nay. Nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp cận được với các định chế tài chính, đặc biệt là vốn vay ngân hàng.
“Các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP HCM hiện không thể vay được vốn ngân hàng, do tài sản của họ là tri thức và con người, đều không dùng thế chấp được. Cũng vì không tiếp cận được vốn, không được hỗ trợ nên các doanh nghiệp rất khó để thực hiện các chương trình kích cầu, quảng bá xúc tiến ở nước ngoài, không phát động được du lịch quốc tế… Trong khi chiều ngược lại, doanh nghiệp các nước đang vào Việt Nam, mời gọi và thu hút khách Việt đi nước ngoài nườm nượp”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Câu chuyên được bàn luận nhiều nhất trong thời gian qua, đó là thị trường tài chính đang gặp khó khăn về thanh khoản. Ngoài những vấn đề ảnh hưởng của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, thì các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế hiện được cho là đang bị tắc nghẽn. Ngay cả dòng tiền của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á cho biết, trước đây các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hoá thường được trả chậm. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn cùng chính sách thắt chặt hiện nay của các nước, dòng tiền tín dụng thương mại giảm rất mạnh. Vì vậy, các đối tác nước ngoài đã yêu cầu thanh toán sớm. Điều này đã góp phần khiến cho nhiều doanh nghiệp càng gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay.
Tìm chiến lược thích ứng cho doanh nghiệp
Theo ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang bị tổn thương rất lớn. Với mức lãi suất hơn 10% như hiện nay, doanh nghiệp đi vay khó lòng có lợi nhuận dương, kinh doanh hiệu quả.
“Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay dao động từ 9-9,5% cho kỳ hạn 6 tháng. Nếu năm nay lạm phát được kiểm soát dưới 4%, thì lãi suất thực sẽ là trên 5%. Ngay cả trong giai đoạn 2009-2011, lạm phát lên tới 18-19% cũng không có mức lãi suất dương trên 5%. Với mức lãi suất dương này, doanh nghiệp khó có thể tính toán bài toán kinh doanh hiệu quả”, ông Trần Du Lịch phân tích.
Về gói cấp bù lãi suất 2%, vị chuyên gia cho rằng có nhiều sự bất cập đang tồn tại trong việc triển khai chính sách này. Do sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ nên một số ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay thì doanh nghiệp không dám nhận, vì sợ phiền phức, sợ sai. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay lại thường có báo tài chính kém, nên ngân hàng không dám cho vay. Sự mâu thuẫn này khiến gói chính sách cấp bù lãi suất chưa thể giải ngân đúng như kỳ vọng.
Vào giai đoạn 2011-2012, Tp. Hồ Chí Minh có triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chấp nhận giải pháp “nuôi nợ để đòi nợ” và triển khai giải pháp hỗ trợ 2%. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp “sống được” và ngân hàng không bị nợ xấu. Kinh nghiệm này vẫn có thể triển khai trong bối cảnh hiện nay. Còn mỗi doanh nghiệp cũng cần có biện pháp thích ứng riêng của mình, tùy hoàn cảnh để tái cấu trúc.
Theo ông Lịch, thậm chí, đã có doanh nghiệp cân nhắc không nhận thêm đơn đặt hàng mới trong bối cảnh lãi suất cao, đồng USD lên giá và trợ cấp cho người lao động. Họ chấp nhận “đứng im” trong giai đoạn biến động, còn hơn nhận đơn hàng nhưng bị lỗ nặng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dù gặp không ít khó khăn nhưng ngành ngân hàng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; trong đó, trọng tâm là thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời, cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động hỗ trợ khách hàng vay vốn, sử dụng dịch vụ ngân hàng; trong đó, nhấn mạnh ngân hàng phải rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp "ép" khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thật sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.
Đây là những chỉ đạo hết sức cần thiết và kịp thời trong bối cảnh chi phí đầu vào của các doanh nghiệp có xu hướng tăng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp giữ ổn định giá bán và giảm giá bán hàng hoá cho người tiêu dùng những tháng cuối năm, đặc biệt năm nay Tết Nguyên đán Quý Mão và năm mới Dương lịch 2023 gần nhau.
Để tiếp cận được vốn vay ngân hàng, ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á cho rằng, các doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính xác với thực tế, phương án kinh doanh rõ ràng và kiểm soát dòng vốn đúng mục đích.
Ngoài ra, đại diện Việt Á cũng khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp nên đầu tư thêm nhân sự quản trị tài chính để sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả, cũng như có thể đánh giá được những tác động vĩ mô lên doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể hoạch định chính sách kinh doanh hiệu quả phù hợp với dòng tiền doanh nghiệp.