|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cao su tận dụng lợi thế giá tăng

19:47 | 24/05/2024
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến cao su cũng nhanh chóng bắt nhịp thị trường, lập nhiều giải pháp linh hoạt về tiêu thụ.

Sản xuất, chế biến cao su. Ảnh: TTXVN

Từ đầu năm 2024, với sự biến động thời tiết và hiện tượng El Nino đến sớm, khiến cho các quốc gia cung ứng cao su nguyên liệu lớn nhất thế giới như Thái Lan, Indonesia suy giảm dẫn tới nguồn cung cao su nguyên liệu giảm mạnh.

Trong khi đó, nhu cầu cao su nguyên liệu của thế giới lại tăng vọt, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội cho doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cao su ước đạt 842 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng cao su xuất khẩu ước đạt 560.000 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su ước đạt 480 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3/2024 đạt 751.000 tấn, giảm 4,5% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 3,4% so với tháng 3/2023. Trong khi tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,29 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 2,9% so với tháng 3/2023.

Đại diện Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo, năm 2024 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong số đó, sản lượng của Thái Lan dự kiến giảm 0,5%; Indonesia giảm 5,1%; sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 6,9%; Ấn Độ tăng 6%; Việt Nam tăng 2,9%; Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3% so với năm 2023.

Theo ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, sản phẩm cao su Việt Nam được xuất khẩu đến 80 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Trung Quốc dẫn đầu nhập khẩu cao su Việt Nam, chiếm 79,6%, thị trường Ấn Độ xếp thứ 2, chiếm 5,3%, thứ 3 là thị trường châu Âu, chiếm 3,1% giá trị nhập khẩu cao su Việt Nam.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sản lượng cao su từ hai quốc gia sản xuất chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% tổng lượng cao su toàn cầu) giảm do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân.

Hoạt động sản xuất lốp xe bùng nổ tại Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu cao su trong năm 2023 tăng mạnh. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt cao su trên phạm vi toàn cầu trầm trọng hơn do tăng trưởng về sản xuất và tiêu thụ không đồng đều.

Hiện với những diễn biến này, giá cao su thiên nhiên đang tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cùng với sản lượng kém ở Thái Lan và Indonesia. Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.

Nắm bắt lợi thế giá cao su tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su Việt Nam cũng đã nhanh chóng vạch ra chiến lược mới để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cao su. Đồng thời, đi kèm với nhiều chiến lược đa dạng hoá sản phẩm cũng như áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế cạnh tranh của cao su Việt.

Chế biến cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Phú Riềng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Nguyễn Trần Nghiêm Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Bến Thành cho biết, Cao su Bến Thành tiếp tục triển khai thực hiện giải pháp đa dạng hóa sản phẩm theo 2 chiến lược là chiến lược tăng trưởng tập trung và chiến lược phát triển đa dạng, chú trọng đến nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhất là những dòng sản phẩm cao su kỹ thuật đã xâm nhập được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.

Cao su Bến Thành đã nghiên cứu sản xuất thành công dòng sản phẩm băng tải chịu môi trường khắc nghiệt như chịu nhiệt 180°, chịu va đập lớn. Đồng thời, nghiên cứu cải tiến công thức để giảm giá thành sản phẩm, giảm thời gian lưu hóa nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào.

Đây là chiến lược rất phù hợp với những dòng sản phẩm cao su kỹ thuật mà công ty đang thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng, giá cả cạnh tranh sản phẩm sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt… công ty đã xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị để phục vụ nghiên cứu, cải tiến công nghệ.

Nhờ đó trong năm công ty đã thực hiện được một số cải tiến kỹ thuật quan trọng. Để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển đa dạng sản phẩm hiện có, công ty đã đầu tư một số thiết bị công nghệ hiện đại giúp làm ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm cao su kỹ thuật cao trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến cao su cũng nhanh chóng bắt nhịp thị trường, lập nhiều giải pháp linh hoạt về tiêu thụ, cũng như chăm sóc khách hàng để tận dụng lợi thế khởi sắc của toàn ngành. Ông Trần Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao ngôi sao Geru chia sẻ, Công ty cổ phần Thể thao ngôi sao Geru chủ động, tích cực tìm kiếm vật tư, nguyên vật liệu thay thế hiệu quả để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả cho công ty.

Đẩy mạnh gia công bên ngoài nhằm giải quyết tình trạng mặt bằng hạn chế và lao động thiếu hụt để đáp ứng yêu cầu đơn hàng. Đồng thời, Geru cũng đảm bảo sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất… không để sản phẩm tồn kho, bảo đảm lợi nhuận, kế hoạch và dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chú trọng xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng dài hạn với khách hàng có uy tín.

Là một trong những sản phẩm được tạo nên từ chuỗi khép kín cao su, nệm Đồng Phú cũng có chiến lược mới để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cao su Đồng Phú nói riêng, sản phẩm cao su Việt Nam nói chung. Ông Đàm Duy Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Kỹ thuật Đồng Phú chia sẻ, các sản phẩm nệm, gối được sản xuất theo quy trình hoàn toàn khép kín từ khâu chọn giống cây cao su – trồng – khai thác – chế biến mủ ly tâm tại nhà máy chế biến của Cao su Đồng Phú.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015 và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn MS 679-2011. Với hơn 13 dòng sản phẩm mới được làm từ 100% cao su thiên nhiên như nệm, gối các loại với nhiều kích thước, mẫu mã chính là chiến lược mà nệm Đồng Phú triển khai để có thể tăng sự lựa chọn của khách hàng trước nhu cầu tiêu dùng hiện nay./.

Hồng Nhung