|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp cá tra nguy cơ mất khách hàng vì chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc

11:33 | 28/12/2021
Chia sẻ
Nhu cầu cá tra của Trung Quốc đang cao trong khi hàng không thể thông quan đẩy cả người mua và bán vào tình huống nhiều rủi ro. Trước kia, các nhà hàng đã "lăng xê" rất nhiều cho cá tra nhưng hiện tại họ cũng mệt mỏi vì không có nguồn cung và đang có xu hướng dùng mặt hàng khác để thay thế.

Trung Quốc khan hàng nhưng Việt Nam không thể xuất

Theo trang Undercurrent News, việc Trung Quốc tạm ngừng thông quan cửa khẩu Đông Hưng và siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu khác có thể gây ra tình trạng thiếu nguồn cung cá tra trong khi nhu cầu đang ở giai đoạn cao điểm khi các dịp lễ tết đang đến gần.

Một công ty nhập khẩu thủy sản tại Thượng Hải cho biết nếu lệnh phong tỏa vẫn kéo dài, nguồn cung nội địa sẽ giảm ít nhất một nửa, điều này ảnh hưởng đến thị trường khu vực Tây Nam, Bắc và trung tâm Trung Quốc.

"Phi lê lột da đã hết hàng và thị trường đầy bấp bênh", đại diện công ty này cho hay.

Một công ty nhập khẩu thủy sản khác có trụ sở tại Hà Nam cho biết nếu việc đóng cửa chỉ trong một tuần, thị trường có thể vẫn ổn định vì lượng hàng tồn kho từ các đợt giao hàng trước đó vẫn còn.  Tuy nhiên, nếu cửa khẩu Đông Hưng đóng cửa trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung trong nước.

Chen Xindong, Tổng giám đốc của Octogone, bộ phận kinh doanh của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc, cho rằng nguồn cung philê lột da không đủ do tốc độ bổ sung hàng cho kho rất chậm. 

Trao đổi với người viết bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết thông thường các công ty thủy sản nhỏ xuất khẩu chính ngạch qua đường bộ còn các công ty lớn xuất khẩu qua đường biển.

Tuy nhiên, ngay cả đường biển cũng đang gặp hàng loạt khó khăn như giá cước tàu tăng phi mã, thiếu container rỗng và cả quy định kiểm dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại các cảng biển. Hiện Trung Quốc vẫn đang theo đuổi mục tiêu "Zero COVID". Điều này càng khiến lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc càng nhỏ giọt. 

Nhu cầu của khách hàng cao trong khi hàng không thể thông quan đẩy cả người mua và bán vào tình huống khó và nhiều rủi ro. Với các nhà hàng, lễ tết đang cận kề và đây là thời điểm để tích trữ. 

Còn với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, hàng không thể xuất vào trong nội địa, đành nằm ngoài bãi, mỗi ngày là một chi phí (vốn đã rất cao) ngày một cao hơn. Bên cạnh đó, nhìn vào bức tranh rộng hơn, rủi ro mất khách đang rất lớn. 

"Bản thân các nhà nhập khẩu mệt mỏi theo kiểu chống dịch mà chính quyền Trung Quốc đang làm. Trước kia, các nhà hàng đã "lăng xê" rất nhiều cho cá tra nhưng hiện tại họ cũng mệt mỏi vì không có nguồn cung và đang có xu hướng dùng mặt hàng khác để thay thế", bà Lan cho biết. 

Ông Chen Xindong cho rằng nguồn cung khan hiếm có thể dẫn đến làn sóng tăng giá vốn đang ở mức cao. 

Bà Lan cũng thừa nhận rằng giá cá tra tại Trung Quốc có thể tăng mạnh trong thời gian tới nếu không được bổ sung nguồn cung. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp dù giá tại Trung Quốc có cao đi nữa cũng không thể bù đắp cho các chi phí khác như vận tải, kiểm dịch...

"Việc thương lượng giá với khách hàng đang rất khó khăn. Giả sử có thương lượng được đi chăng nữa không không thể bù lại hàng loạt chi phí tăng vừa qua", bà Lan nói.

Còn nếu hàng không thông quan, chi phí có thể bị đội thêm nữa. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp VASEP cho biết: "Với tình thế này, các doanh nghiệp thủy sản không còn cách nào khác là quay đầu xe, đưa hàng thủy sản về kho trữ và chịu mất khoản chi phí vận chuyển.

Bởi, xe quay đầu thì chỉ mất chi phí vận chuyển, hàng vẫn còn. Còn nếu xe tiếp tục chờ, chi phí tăng, hàng hóa có nguy cơ giảm chất lượng, lúc đó mất cả chì lẫn chài".

"Năm lần bảy lượt" khốn đốn vì Trung Quốc, doanh nghiệp cá tra chuyển hướng sang thị trường khác

Trong năm 2021, đây không phải là lần đầu tiên ngành cá tra phải khốn đốn vì những thay đổi trong chính sách kiểm dịch.

Điển hình như hồi tháng 4, VASEP cho biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc liên tục giảm 11-51% bởi việc kiểm soát chặt thủy sản đông lạnh nhập khẩu tại các cảng chính của nước này, gây tắc nghẽn và tốn kém cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Điều này  ảnh hưởng đến lợi nhuận và nhu cầu của nhà nhập khẩu và cả các công ty xuất khẩu Việt Nam. 

Từ quý III/2020, Trung Quốc đã nhiều lần thông báo phát hiện virus Sars- CoV- 2 trên bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Nga,… 

Hàng trăm công ty xuất khẩu từ Ấn Độ, Ecuador, Nga, Indonesia đã bị đình chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 1-5 tuần vì lý do phát hiện COVID-19.

Ngoài ra, ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Trung Quốc bị ảnh hưởng giảm bởi dịch COVID-19 nên dường như nước này cũng muốn bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản nội địa, nên tìm cách hạn chế nhập khẩu. Trung Quốc cũng đã tăng cường truyền thông mạnh người dân sử dụng sản phẩm của nội địa.

Riêng với cá tra, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông liên tục giảm, (8/11 tháng năm 2021 ghi nhận tăng trưởng âm), theo số liệu của VASEP. Đặc biệt trong giai đoạn từ quý III và tháng 10 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm tới 26 - 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái xuống hơn 411 triệu USD.

Doanh nghiệp cá tra nguy cơ mất khách hàng vì chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc - Ảnh 1.

Nguồn: VASEP

Trước những khó khăn tại thị trường Trung Quốc, nhiều doanh chế biến cá tra đã giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này.

Đại diện CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cho biết thị trường Trung Quốc từng mang đến cho ANV nhiều hợp đồng lớn, chiếm gần 40% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán tại thị trường này không tăng kịp với chi phí đầu vào nên ANV đã chủ động giảm tỷ lệ xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc để tập trung vào các thị trường còn giữ được biên lợi nhuận tốt.

Trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của ANV" đại diện Nam Việt cho biết.

Hay với Tập đoàn PAN, trao đổi với người viết, đại diện của tập đoàn cho biết mặt hàng cá tra hiện chủ yếu tập trung vào thị trường EU, Nhật. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên đợt tắc nghẽn cảng bộ và cảng biển vừa qua tập đoàn không bị ảnh hưởng. 

Trước đó, quý IV/2020, xuất khẩu cá tra đã có sự hồi phục trong tháng 10 với thị trường Trung Quốc tăng. 

Tuy nhiên, sau khi phát hiện nhiều lô hàng thủy sản nhập khẩu từ châu Âu có dính virus COVID-19, cơ quan Hải quan nước này đã siết chặt hơn nữa thủ tục thông quan, khiến hàng hóa và container bị ứ đọng ở các cảng Trung Quốc nhiều hơn, dẫn đến tiến độ giao hàng chậm đồng thời thiếu container để đi hàng. 

Bên cạnh đó, khách Trung Quốc cũng hoãn giao hàng do tiêu thụ chậm, khiến cho các công ty lại gặp thêm khó khăn trong giải phóng tồn kho.

H.Mĩ