Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói chiết khấu theo kiểu 'ban phát', cơ quan quản lý gợi ý tự đàm phán mức cố định
Mức chiết khấu thất thường, doanh nghiệp xăng dầu thua lỗ
Tại toạ đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng bởi hơn một năm qua chiết khấu thấp, chủ các doanh nghiệp phải bỏ tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.
Một điểm bất thường được ông Giang Chấn Tây chỉ ra là sau ngày hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được VCCI tổ chức 14/2, chiết khấu xăng dầu tăng lên từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực.
Ông Tây đặt câu hỏi chiết khấu này từ đâu mà có trong khi Nghị định vẫn chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi.
“Có phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây đặt giả thiết.
Theo vị này, Bộ Công Thương quy định các doanh nghiệp tự thỏa thuận chiết khấu để tạo ra sự công bằng, cạnh tranh, tuy nhiên những bất ổn trong thị trường xăng dầu năm 2022 đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối.
Ông Giang Chấn Tây cho rằng để thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì cần quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Cùng đó, quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi để đảm bảo nguồn hàng và có thù lao tăng thêm từ cạnh tranh.
Tương tự như doanh nghiệp bán lẻ, các thương nhân phân phối cũng thua lỗ. Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai cho rằng doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân khiến hệ thống phân phối và bán lẻ bị lỗ. Bên cạnh đó, ông Phụng cho rằng việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu, dịch bệnh, xung đột chính trị… cũng đã bộc lộ những bất cập trong điều hành vĩ mô.
“Sau sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy làm doanh nghiệp điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, thương nhân phân phối cũng không được rót xăng dầu thì làm sao có thể cung cấp cho doanh nghiệp bán lẻ. Bất cập từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó có vấn đề. Chúng tôi rất lỗ, doanh nghiệp sắp chết”, ông Phụng nói.
Ông Văn Tấn Phụng cũng khẳng định chiết khấu xăng dầu là do doanh nghiệp đầu mối quyết định, thương nhân phân phối không phải là nơi điều tiết chiết khấu.
Trước những tranh luận của doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng thời điểm này các doanh nghiệp bán lẻ không nên đổi lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.
Vấn đề của thị trường nằm ở chỗ những công cụ quản lý của nhà nước đã không còn phù hợp, dẫn đến hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do vậy các doanh nghiệp cần ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách.
Kinh doanh xăng luôn có lãi, liệu có công bằng với các chủ thể khác?
Phản biện lại các ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho, công tác dự báo, tình hình tài chính...
Các doanh nghiệp cũng nên đặt câu hỏi ngược lại rằng tại sao bây giờ chúng ta mới nói nhiều đến chiết khấu tối thiểu trong xăng dầu, bản chất là gì? Có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không và nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học?
“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố trong công thức tính giá cơ sở thì giá xăng dầu tăng lên, việc quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát CPI nhà nước sẽ như thế nào? Có một lĩnh vực kinh doanh luôn luôn có lãi thì liệu có công bằng với nền kinh tế, với các chủ thể khác?” ông Đông nói.
Quay lại câu chuyện chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít, ông Đông phản biện tại sao doanh nghiệp không tính chiết khấu bình quân, đồng thời gợi ý doanh nghiệp có thể tự đàm phán mức chiết khấu cố định, đảm bảo cho việc duy trì hoạt động kinh doanh cho cả năm, song lúc giá xăng dầu tăng sẽ không được hưởng chênh lệch chiết khấu cao hơn.
Liên quan đến đề xuất doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông khẳng định Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Với tình hình như hiện nay, nếu như đại lý thấy không thỏa đáng với chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý và tìm nguồn cung cấp khác có chiết khấu ổn hơn.
Ngoài ra, ông Trần Duy Đông cho rằng những gì luật quy định và quan hệ dân sự thì không nên đưa vào nghị định. Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại. Trường hợp doanh nghiệp muốn tự lấy từ nhiều nguồn thì có thể theo hướng cửa hàng bán lẻ xăng dầu độc lập, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu trách nhiệm giá cả, biển hiệu và chất lượng.