|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đổ xô đầu tư vào điện mặt trời

08:50 | 25/09/2016
Chia sẻ
Mặc dù chưa có biểu giá mua điện mặt trời nối lưới, nhưng số lượng các nhà đầu tư quan tâm tới việc sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam đang tăng nhanh.

Nhìn thấy cơ hội

Theo TS. Nguyễn Quy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, hiện có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới điện mặt trời với quy mô công suất trung bình từ 20 MW tới 300 MW. Các dự án này tập trung nhiều ở các địa phương miền Trung và miền Nam, những khu vực có số giờ nắng nhiều trong năm.

do xo dau tu vao dien mat troi

Trong số 3 dự án điện mặt trời đang xây dựng, có 2 dự án đến từ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân đặt tại Quảng Ngãi và Ninh Thuận. Dự án Điện mặt trời Tuy Phong (Bình Thuận) thuộc về Công ty TNHH DooSung Vina với quy mô 66 triệu USD, công suất 30 MW.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang, hay Công ty AirCraft (Đức) đang nghiên cứu dự án tại Quảng Trị, còn EGAT (Thái Lan) nhắm tới dự án khác tại Bình Định.

Ở trong nước, các nhà đầu tư nội cũng bắt đầu nghiên cứu, đầu tư vào thị trường năng lượng sạch với tốc độ nhanh hơn. Tổng công ty Điện lực Miền Trung đang lập dự án điện mặt trời quy mô 150 MW tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có kế hoạch triển khai 1 dự án điện mặt trời trên đất liền tại khu vực Thủy điện Trị An (Đồng Nai) và 1 dự án khác nổi trên mặt nước tại hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận). Ngoài ra, EVN cũng đã đề xuất với tỉnh Ninh Thuận dự án năng lượng mặt trời công suất 200 MW trên diện tích 400 ha, vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng tại vùng khô hạn nặng Ninh Phước với kế hoạch khởi công xây dựng trong năm 2018 và đưa vào vận hành trong năm 2019.

Ông Đặng Đình Thống, một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng sạch cho hay, những năm gần đây, tốc độ phát triển điện mặt trời rất nhanh, mà nguyên nhân chính là do suất đầu tư giảm nhanh. Nếu như suất đầu tư và giá điện gió gần như không thay đổi, thì giá điện mặt trời đã giảm xuống xấp xỉ bằng điện gió và có thể cạnh tranh được sòng phẳng với điện từ các nhiên liệu hóa thạch.

“Giá modul pin điện mặt trời hiện nay chỉ còn khoảng 0,6 USD/Wp, so với năm 2005 và 2010 thì giá modul năm 2015 đã giảm xuống lần lượt là 5 và 2,5 lần. Do modul chiếm từ 45-50% chi phí để xây dựng hệ nguồn điện mặt trời, nên giá modul giảm là yếu tố cơ bản dẫn tới suất đầu tư và giá bán điện mặt trời cũng giảm mạnh những năm qua”, ông Thống nói.

Xây dựng mức giá cho điện mặt trời

Bà Hoàng Minh Nguyệt (Hiệp hội Năng lượng sạch) cho hay, tháng 5/2016, giá trúng thầu cho dự án điện mặt trời tại Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) chỉ còn 3 UScents/kWh, đã cho thấy mức giá của năng lượng mặt trời đang ngày càng rẻ đi.

Tại Việt Nam, hiện Dự thảo về mức giá mua điện mặt trời đang được xem xét là 11,2 UScents/kWh với dự án có nối lưới, quy mô không quá 100 MW và tương đương 15 UScents/kWh với các dự án lắp trên mái nhà để tự dùng và bán lại cho ngành điện khi thừa, được xem là tín hiệu vui cho các nhà đầu tư điện mặt trời.

Dẫu vậy, bà Trần Thu Trà, Ban Quản lý đầu tư của EVN cũng cho biết, việc phát triển điện mặt trời đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề vận hành hệ thống sau đó. Do điện mặt trời chịu tác động của mây, gió và cường độ nắng, nên khi các yếu tố này thay đổi sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng điện áp của hệ thống điện bởi có nối lưới. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các hộ tiêu thụ điện. Như vậy, bên cung cấp điện là EVN dù không tạo ra chất lượng điện áp thiếu ổn định này, nhưng vẫn có thể bị phạt theo hợp đồng.

Cũng do điện mặt trời không ổn định, trong khi tiêu thụ điện là tức thì, nên khi điện mặt trời giảm sẽ phải có nguồn điện dự phòng ngay lập tức để bù đắp thiếu hụt này. Như vậy, sẽ có những nhà máy điện không được vận hành ở chế độ cao nhất, mà cần có dự phòng để huy động cho điện mặt trời.

Ngoài ra, để tránh tình trạng nhà đầu tư đưa ra những suất đầu tư quá cao về điện mặt trời, với lý do đây là nguồn năng lượng sạch cần phải khuyến khích, EVN cũng đã quyết định đầu tư các dự án điện mặt trời như một đối chứng cụ thể.

Nhận xét về vấn đề này, các chuyên gia cho là cần thiết, bởi mức giá cố định tương đương 11,2 UScents và 15 UScents như dự thảo hiện nay đã được nghiên cứu xây dựng cách đây mấy năm, nhà đầu tư đã rất lãi, trong khi xu hướng của thế giới về điện mặt trời đang có những biến động giảm mạnh.

Thanh Hương

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.