Đồ nội thất gỗ Việt Nam muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA để tăng thị phần tại Đức
Báo cáo thị trường nông lâm thủy sản số ra ngày 13/12 của Bộ Công Thương dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 3,27 tỉ USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 2,2% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Đức đạt 2.610,7 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kì năm 2018.
Về thị trường nhập khẩu, chủ yếu từ Ba Lan với khối lượng thu mua từ thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 519.000 tấn, trị giá 1,35 tỉ USD, tăng gần 4% về lượng, tăng 0,6% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ hai cho Đức trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 112.000 tấn, trị giá 315 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 15,6% về trị giá. Tỉ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2018.
Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc đạt 2.524,1 Euro/tấn, tăng 8,0% so với cùng kì năm 2018.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 10 cho thị trường Đức tính theo lượng trong 8 tháng đầu năm 2019. Tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kì năm ngoái.
Đức nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và ghế khung gỗ trong 8 tháng đầu năm 2019, tỉ trọng nhập khẩu hai mặt hàng này chiếm tới 76,2% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất của Đức.
Đây cũng là hai mặt hàng mà Đức nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam trong thời gian này. Lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,2% tổng lượng nhập khẩu hai mặt hàng này của Đức.
Tuy nhiên, với nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lên tới hàng tỉ euro và hơn 1 triệu tấn hàng năm, thì lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá nhỏ.
Đức là một trong những thị trường nhập khẩu chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong khối EU.
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được thông qua, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao giữa Việt Nam và Đức được kì vọng sẽ tăng mạnh với nhiều dòng thuế quan được giảm về 0%, trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Theo các cơ quan đại diện của CHLB Đức tại Việt Nam (GTAI), thị trường đồ nội thất cũng là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Đức, chiếm khoảng 7% tổng thị trường hàng tiêu dùng ở Đức và tạo ra gần 37 tỉ USD doanh thu trong năm 2018.
Đồ nội thất là một trong nhóm các ngành công nghiệp đang phát triển ở Đức, lĩnh vực này có doanh thu tăng hơn 9% kể từ năm 2010. Đức có nhiều nhà sản xuất đồ nội thất khác nhau, với gần 1.005 doanh nghiệp trong năm 2018.
Đáng chú ý, Đức không chỉ là thị trường nội thất lớn, mà còn dẫn đầu trong xu hướng tiêu dùng, vì vậy tiếp cận được thị trường Đức, doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang toàn châu Âu.