|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng trưởng hấp dẫn, ngành gỗ phải gánh sức ép lớn từ FDI

08:12 | 12/12/2019
Chia sẻ
Chỉ trong 9 tháng của năm 2019, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ đã cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng kí cả năm 2018.

Trung Quốc đứng đầu danh sách đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 9,64 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kì năm 2018.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 với khoảng 81% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này. 

Trong đó, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng mạnh  với giá trị xuất khẩu đạt 4,2 tỉ USD, tăng tới 34,5%.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác.

Việc tận dụng tốt các cơ hội là động lực thúc đẩu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ. 

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9 năm 2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng kí cả năm 2018. 

Các dự án tập trung vào mảng chế biến gỗ và phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây. Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và qui mô vốn đầu tư lớn, báo cáo Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam của Hiệp hội gỗ Việt Nam, cho hay.

Theo đó, để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hong Kong (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018.

Tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ và British Virgin Island. Số vốn tăng trong 9 tháng đầu năm đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018. 

Sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Vốn đăng kí trung bình dự án mới 9 tháng là 8,7 triệu USD. 

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam với 40 dự án, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng do Mỹ áp thuế từ 10 - 25% với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc hầu như không thể chịu nổi. 

Vì thế, để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, họ buộc phải chuyển dịch đầu tư sang các nước khác. 

4c25d7708d4d74132d5c

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Sức ép lớn và biện pháp giải tỏa

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng FDI là một trong những động lực thúc đẩy ngành gỗ phát triển. 

Tuy nhiên nó cũng đem lại nhiều thách thức như khó khăn trong kiểm soát chất lượng của các dự án, tiếp nhận các dự án có qui mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Đáng chú ý nó còn tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ.

"Sự chuyển dịch vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam, đã bắt đầu gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam về tuyển dụng lao động, đặc biệt là nỗi lo về nguy cơ gian lận xuất xứ", ông Hiệp thông tin.

Theo đó, để kiếm soát rủi ro, theo báo cáo của Hiệp hội gỗ Việt Nam, cần tập trung vào một số vấn đề. 

Thứ nhất, cần bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. 

Trong số đó, nên ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có qui mô nhỏ, đặc biệt là các dự án đầu tư mới có vốn đăng kí nhỏ trong năm 2019.

Thứ hai, cơ quan quản lí cấp trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội gỗ địa phương để theo dõi, nắm bắt tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, từ đó hình thành cửa chốt quan trọng trong kiểm soát đầu tư FDI.

Thứ ba, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra và xử lí vấn đề gian lận thương mại. Trong đó, các cơ quan quản lí trực tiếp có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, hải quan, đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) và các hiệp hội gỗ tích cực phối hợp chặt chẽ. 

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lí, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa.

Còn theo ông Điền Quang Hiệp ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang có cơ hội lớn để xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Điều cần thiết chính là các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ cùng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ đang tăng nhanh, Nhà nước cần quản lí chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm né thuế và lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng.

Như Huỳnh