Dinh thự triệu đô của giới tài phiệt Nga bị trưng dụng thành nơi lưu trú cho người tị nạn Ukraine
Phó thủ tướng Anh Dominic Raab tiết lộ rằng giới tỷ phú Nga có thể bị tịch thu các dinh thự để làm nơi lưu trú tạm thời cho những người tị nạn từ Ukraine, theo The Guardian.
Chia sẻ của Phó thủ tướng Dominic Raab được đưa ra nhằm bảo vệ phản ứng của Anh trước việc Nga mở "chiến dịch đặc biệt" nhằm vào Ukraine. Khi được hỏi liệu Anh có thể tịch thu được tài sản thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga hay không, ông Raab khẳng định trên đài LBC: "Nếu chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý, thì chúng tôi sẽ làm được điều đó".
Bên cạnh đó, khi bị các phóng viên nhấn mạnh về việc liệu chính phủ có sử dụng những tài sản bị tịch thu đó để làm nơi ở cho những người tị nạn từ Ukraine hay không - một động thái được Đảng Dân chủ Tự do kêu gọi và được báo cáo là đã gây ra tranh cãi trong cuộc họp chính phủ - ông Raab trả lời: "Điều này hoàn toàn có thể xảy ra".
"Chúng tôi đang xem xét mọi thứ trong tầm kiểm soát. Đó là nỗ lực của cả chính phủ, từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng cho đến thư ký Bộ Nhà ở Michael Gove. Và tất nhiên, thủ tướng cũng đang thúc đẩy điều này, mặc dù rất khó khan", ông Raab nhấn mạnh.
Các lệnh trừng phạt từ phía Anh dường như dựa trên việc cố gắng gây ra những khó khăn nhắm thẳng vào những người giàu có cùng những tổ chức lớn nhất nước Nga. Đó là lý do cho đến thời điểm hiện tại, nước Anh nhắm mục tiêu trừng phạt tới các ngân hàng, tổ chức nhà nước cũng như những tỷ phú hàng đầu nước Nga.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ chính phủ đã nhiều lần cho biết họ đang có kế hoạch nhắm vào nhiều nhà tài phiệt của Nga hơn, đặc biệt là những người có quan hệ chính trị mật thiết với chính quyền ông Putin. Trong danh sách trừng phạt này có tất cả các thành viên của quốc hội Nga từ cả hai viện và các thành viên của hội đồng an ninh Nga đã bỏ phiếu cho cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine.
Các tỷ phú Nga sở hữu nhiều dinh thự triệu USD tại Anh
Hai nhà tài phiệt hàng đầu nước Nga, Alisher Usmanov và Igor Shuvalov, đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Anh vào tuần trước. Khối tài sản của họ tại Anh đã bị đóng băng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh đã từ chối trả lời câu hỏi liệu có bất kỳ tài sản nào được xác định có liên quan đến ông Vladimir Putin bị phong tỏa tại quốc gia này sau các lệnh trừng phạt mới hay không.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Anh, tỷ phú Igor Shuvalov sở hữu các căn hộ ở Westminster trị giá khoảng 11 triệu bảng Anh, còn tỷ phú Usmanov sở hữu một dinh thự trị giá 48 triệu bảng Anh ở Hampstead và một trang viên Tudor ở Surrey, mặc dù phát ngôn viên của ông Usmanov đã phủ nhận việc ông là chủ sở hữu của một trong số những dinh thự được liệt kê.
Không rõ người phát ngôn đang đề cập đến dinh thự nào, nhưng điều này làm dấy lên sự nghi ngờ về việc ông Usmanov đang cố gắng giảm thiệu những thiệt hại có thể phải gánh chịu từ lệnh trừng phạt của Anh.
Các nguồn tin cho biết những cá nhân đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt sẽ không được phép sửa chữa, cho thuê hoặc bán các dinh thự của họ mà không có giấy phép.
Chính phủ Anh đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì quá chậm chạp trong cách tiếp cận thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật và tài sản liên quan đến nước Nga. Chủ tịch đảng Lao động Anneliese Dodds, cho biết nước Anh phải có những động thái cứng rắn hơn trong việc kìm hãm các quỹ đến từ những nhân vật có liên quan đến ông Putin.
"Tôi chắc chắn sẽ nói rằng chúng tôi đã quá mềm mỏng, đặc biệt là trong 10 năm qua, đối với những khoản tiền đến từ các nhà tài phiệt và doanh nhân có liên hệ với ông Putin", bà chia sẻ trên kênh Sky News.
"Tôi thấy rằng ngay cả với những biện pháp mới nhất mà chính phủ đã công bố trong tuần trước, có thời hạn tới 18 tháng kể từ khi được ban hành vẫn là chưa đủ tốt. Chúng tôi cần hành động ngay lập tức. Chúng tôi có thể đưa các sổ đăng ký bất động sản thuộc sở hữu của các cá nhân người nước ngoài đó vào áp dụng trong 28 ngày, chúng tôi tin rằng có thể làm cho mọi thứ trở nên minh bạch hơn", bà nhấn mạnh.
Trái với ý kiến của bà Dodds, Phó thủ tướng Dominic Raab cho biết Anh là "người tiên phong" trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới tỷ phú liên quan đến Điện Kremlin.
Khi được hỏi tại sao EU lại áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân người Nga hơn Anh, ông nói trên đài BBC Breakfast rằng đó là một "sự phân biệt sai lầm". "Câu hỏi ở đây không phải là liệu có bao nhiêu cá nhân hay doanh nghiệp bị trừng phạt mà là dòng tiền đang chảy về đâu?", ông Raab cho biết.
"Đã có một số bình luận cho rằng Vương quốc Anh bằng cách nào đó đã chậm chạp. Tuy nhiên, chúng tôi không hề chậm chạp. Chúng tôi đã đi tiên phong trong việc hành động và tất nhiên, điều thực sự quan trọng", Phó thủ tướng Anh nhấn mạnh.