Dính quả đắng BOT, doanh nghiệp dè dặt với cao tốc Bắc - Nam
Dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới chưa thu phí. Ảnh: PV |
Bộ thúc, tỉnh lờ, doanh nghiệp (DN) oải vì đường đã xong gần 1 năm vẫn không được phép thu giá để hoàn vốn dù đã lên phương án giảm giá tối đa và đang phải gồng mình trả nợ ngân hàng... Tình trạng hợp đồng một đằng, thực hiện một nẻo tại một số dự án BOT giao thông trong thời gian qua khiến không ít DN tỏ ra thận trọng dù rất quan tâm tới dự án cao tốc Bắc - Nam.
6 tháng xin thu phí không được, vì thiếu 1 công văn
Chủ đầu tư dự án tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức BOT cho biết, đã liên tục gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, “khẩn cầu thực hiện thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ” trong tháng 11.2017. Tuy nhiên, tới nay đề xuất này vẫn bị treo vì UBND tỉnh Thái Nguyên chưa gửi văn bản cho ý kiến lên Bộ GTVT dù cuộc họp ba bên giữa nhà đầu tư, UBND tỉnh và Bộ GTVT đã đạt được sự đồng thuận từ hơn 6 tháng trước.
Trao đổi với Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, khi bắt đầu triển khai, dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới nhận được sự ủng hộ và thống nhất toàn diện của UBND tỉnh Thái Nguyên và đáng lẽ dự án phải cho thu giá từ lâu. Ông Công khẳng định, Bộ GTVT đã gửi văn bản đề nghị tỉnh cho ý kiến để có cơ sở cho phép chủ đầu tư thu giá nhưng tỉnh “chẳng trả lời gì cả” mà việc thu giá, mở trạm sẽ không thể được thực hiện nếu thiếu sự phối hợp của địa phương.
Trong khi đó, trả lời Báo Lao Động, ông Trương Văn Phụng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên - thì khẳng định: “Đó là trạm của Bộ GTVT, không phải của tỉnh nên đi hỏi Bộ GTVT” và cho biết, đã tham mưu cho UBND tỉnh nên muốn biết vì sao UBND tỉnh chưa có ý kiến thì phải “đi hỏi UBND tỉnh”.
Mắc kẹt ở giữa, liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc - chủ đầu tư dự án cho biết, đang đứng bên bờ vực phá sản vì từ tháng 1.2017, đơn vị này đã phải trả lãi cho ngân hàng khoảng 16 tỉ đồng/tháng và từ tháng 11/2017 sẽ phải trả thêm gốc. Bên cạnh đó, DN cũng phải chi trả hàng tỉ đồng chi phí duy trì hoạt động của DN dự án và bảo dưỡng thường xuyên.
Ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Cty BOT Thái Nguyên Chợ Mới - cho biết, đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, DN trình và đã thống nhất được phương án giảm giá chi tiết mà không hiểu sao tỉnh vẫn chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ GTVT nên hiện DN chưa thể tiến hành ra soát các DN, hộ dân trong diện giảm giá.
Theo ông Đức, vướng mắc này không hề có trong hợp đồng ký kết giữa DN và Bộ GTVT và việc phát sinh này khiến nhà đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhà đầu tư mới đây đã có văn bản trong đó có nội dung nhắc tới điều khoản phạt khi hợp đồng bị phá vỡ và thực sự gặp khó vì “trong hợp đồng không có tỉnh nhưng khi triển khai thu, vai trò của tỉnh rất lớn, phải có sự phối hợp của địa phương, nếu không có sẽ rất khó cho nhà đầu tư” và nhà đầu tư chỉ muốn giải quyết hài hoà lợi ích giữa các bên.
Dự án tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới thông xe kỹ thuật vào tháng 3.2017. Ảnh: A.C |
Không gỡ khó, DN không dám đổ tiền vào cao tốc Bắc - Nam
Những câu chuyện về tình trạng mắc kẹt giữa bộ và địa phương của các nhà đầu tư BOT giao thông như trên không nhiều nhưng cũng không ít. Trên thực tế, nhiều dự án được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ GTVT nhưng khi xuống địa phương lại vướng từ công tác giải phóng mặt bằng tới chuyện thu giá. Có lãnh đạo của một dự án BOT giao thông lớn từng than thở, “chúng tôi không phải tội đồ”, ông này cho biết, họ đầu tư cho các dự án BOT theo đúng quy định, thậm chí chỉ đầu tư sau khi tỉnh thiết tha đề nghị.
Tuy nhiên, khi triển khai rồi, DN lại gặp khó với chính địa phương khiến tiến độ triển khai chậm, công tác hoàn vốn gặp khó khăn. Thực trạng này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn dù muốn đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam do lo ngại “trên rải thảm dưới rải đinh”. Trong khi đó, do thiếu vốn, đề án cao tốc Bắc - Nam đã phải “chia dọc cắt ngang” và các chuyên gia cũng như giới chức ngành giao thông nhận định, việc huy động vốn cho siêu đề án này không hề dễ.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, đề án cao tốc Bắc - Nam sẽ cần huy động 63.000 tỉ đồng cho giai đoạn 1, trong đó, các nhà đầu tư sẽ rót khoảng 13.000 tỉ và vốn chủ sở hữu theo quy định, tăng từ 10 lên 15% còn lại là 50.000 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng.
Chia sẻ quan điểm với báo Lao Động, một chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc chi 55.000 tỉ đồng cho đề án này, nhà nước cần có cơ chế để nâng cao vai trò của địa phương để tránh sự chậm trễ trong công tác GPMB và việc giảm thiểu rủi ro cho DN cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn nguy cơ phát sinh nợ xấu với hệ thống ngân hàng.
“Nếu những câu chuyện như dự án Thái Nguyên - Chợ Mới không sớm có hướng giải quyết thì ngân hàng sẽ là nơi gánh chịu hệ quả và kéo theo là vấn đề an ninh tiền tệ” - chuyên gia này nhận định.
Trước đó, ngày 22/11/2017, với kết quả biểu quyết 83,1% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, một số đoạn được triển khai xây dựng là: Từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên-Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai); Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Giai đoạn 2017-2020 dự kiến đầu tư 654km. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037ha. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tổng mức đầu tư của Dự án dự toán là 118.716 tỉ đồng, trong đó có 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Dự án tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2017, được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 18.5.2017. Hiện chủ đầu tư dự án đã đề xuất phương án giảm giá thực hiện theo 3 mức gồm giảm 100% cho các phương tiện nhóm 1, 2, xe buýt… trong vùng 1 (có khoảng cách đến trạm dưới 10km), giảm 70% cho các phương tiện vùng 2 (có khoảng cách đến trạm từ 10km-20km) và giảm 50% cho các phương tiện vùng 3 (có khoảng cách đến trạm trên 20km như TP.Thái Nguyên, huyện Định Hoá).
Liên doanh này cũng đưa ra 2 phương án tài chính cho dự án. Phương án 1 bổ sung nâng cấp QL37 (200 tỉ đồng) và có thu phí các phương tiện huyện Đại Từ, tổng mức đầu tư mới 2.576 tỉ đồng và thời gian hoàn vốn tăng từ 16 năm 1 tháng lên thành 20 năm 7 tháng. Phương án 2 không bổ sung nâng cấp Q37 và không thu phí các phương tiện huyện Đại Từ, thời gian hoàn vốn tăng từ 16 năm 1 tháng lên thành 20 năm 6 tháng.
Dự án cao tốc Bắc-Nam: Đầu tư hơn 27.500 tỉ bằng BOT
Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho dự án khoảng 40.845 tỉ đồng, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án ... |