Digiworld: Tăng trưởng nhờ thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng?
Lãi sau thuế 6 tháng của Digiworld đạt 42 tỷ đồng, mảng điện thoại di động cán đích sớm | |
Câu chuyện 2018 của Digiworld xoay quanh 'gã khổng lồ' Xiaomi |
CTCP Thế Giới Số (Digiworld – Mã: DGW) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018. Theo đó, doanh thu thuần quý vừa qua của công ty tăng 74% so với cùng kỳ, đạt 1.376 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 36%, đạt 79,4 tỷ đồng tương ứng với biên lợi nhuận gộp 5,74%.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ lên 18,7 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận ròng của Digiworld chỉ tăng với tốc độ khiêm tốn là 10,7% lên mức 22,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do trong quý I, lợi nhuận ròng của công ty tăng mạnh tới 127% nên lũy kế 6 tháng, LNST vẫn đạt mức tăng trưởng 45% với giá trị 42 tỷ đồng.
Tổng tài sản của công ty thời điểm 30/6 đạt gần 1.461 tỷ đồng, giảm 8,4% so với đầu năm trong đó nợ phải trả giảm gần 16% tương ứng mức giảm 143 tỷ đồng do công ty đã trả bớt 120 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Theo đó, cơ cấu vốn của Digiworld thay đổi theo hướng tích cực với tỷ lệ nợ/tổng nguồn vốn giảm từ 57% hồi đầu năm xuống còn 52% vào cuối quý II.
HSC: “DGW là một cổ phiếu vốn hóa nhỏ có câu chuyện đặc biệt”
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định LNST năm 2018 của Digiworld có thể tăng trưởng 35%. Lợi nhuận năm 2018 có khả năng tăng trưởng mạnh nhờ 2 động lực chính:
Thứ nhất, mảng điện thoại di động tăng trưởng mạnh nhờ cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) cho Xiaomi;
Thứ hai, đóng góp từ các thương hiệu thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng của chính công ty với tỷ suất lợi nhuận cao.
Cụ thể, theo HSC, doanh thu phân phối điện thoại di động trong nửa đầu năm nay đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 460% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu từ ĐTDĐ Xiaomi đạt khoảng 1.060 tỷ đồng (tăng 480% so với cùng kỳ), đóng góp 90% tổng doanh thu từ ĐTDĐ.
Vào đầu năm 2017, DGW đã thay đổi chiến lược phân phối ĐTDĐ, tập trung vào các thương hiệu sử dụng dịch vụ phát triển thị trường (MES) của công ty. Bắt đầu từ Xiaomi khi công ty này thâm nhập thị trường Việt Nam. Xiaomi hiện có thị phần ĐTDĐ khoảng 5% và đặt mục tiêu đạt thị phần 10% vào năm 2020.
Hình ảnh cửa hàng Mi Store số 8 trên phố Tôn Thất Tùng, Quận 1, TP HCM. Ảnh: Digiworld. |
HSC cũng đánh giá mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng tốt hơn thị trường chung nhờ công ty phân phối những thương hiệu mới. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thiết bị văn phòng đạt 484 tỷ đồng, tăng 53,4% so với cùng kỳ nhờ có những hợp đồng phân phối mới ký với LG và Eaton.
Ngoài ra, mảng phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) & sản phẩm sức khỏe đạt kết quả khả quan. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng này đạt 41 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ sản phẩm thực phẩm chức năng chiếm 20% doanh thu. Doanh thu từ các sản phẩm FMCG với nhãn hiệu của chính công ty chiếm 80% doanh thu.
DGW đã tham gia phân phối thực phẩm chức năng và sản phẩm FMCG vào cuối quý 3/2017 sau khi mua 80% cổ phần của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và 80% cổ phần của một doanh nghiệp sản xuất FMCG. DGW cung cấp dịch vụ trọn gói cho những sản phẩm thực phẩm chức năng và FMCG, do vậy mảng này có tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 40%, cao hơn các mảng khác.
Chương trình “bán hàng chớp nhoáng” (flash sale) ở mảng ĐTDĐ đã hy sinh biên lợi nhuận để đổi lấy doanh số và dòng tiền tốt hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ suất lợi nhuận gộp của DGW giảm còn 5,7% từ 6,6% trong 6 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên các chỉ số hoạt động khác được cải thiện, chẳng hạn:
Thứ nhất, số ngày thu tiền giảm từ 47 này trong 6 tháng đầu năm 2017 xuống còn 33 ngày trong trong 6 tháng đầu năm 2018;
Thứ hai, số ngày tồn kho giảm từ 79 ngày trong 6 tháng đầu năm 2017 xuống còn 56 ngày trong 6 tháng đầu năm 2018;
Thứ ba, số ngày quay vòng vốn lưu động giảm từ 64 ngày trong 6 tháng đầu năm 2017 xuống còn 51 ngày trong 6 tháng đầu năm 2018.