|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều kiện hàm lượng giá trị gia tăng 30% để được coi 'Sản xuất tại Việt Nam' đã hợp lí?

07:10 | 15/08/2019
Chia sẻ
Đại diện Bộ Công Thương cho biết dự thảo Thông tư hàng sản xuất tại Việt Nam được xây dựng chủ yếu dựa trên quy tắc xuất xứ hiện áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu. Nhiều sản phẩm chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng 30% đã được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ hàng Việt Nam.

Tại sao không đặt ngưỡng hàm lượng giá trị gia tăng là 50% hoặc 60%?

Một số ý kiến thắc mắc rằng tại sao Bộ Công Thương đặt ngưỡng hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) mà không phải ngưỡng cao hơn giống như các nước Thụy Sỹ (60%) hay Mỹ (50%).

Đại diện Bộ Công Thương cho biết nhiều sản phẩm của Việt Nam chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. 

"Đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay hai chữ số, viết thêm vài câu là xong. 

Nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống "oái oăm" là cả thể giới công nhân nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Vị này cho biết thêm nhiều người thích viện dẫn Mỹ và Thụy Sỹ mà không biết rằng trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60%, trừ đối với một số mặt hàng cực kì nhạy cảm như may mặc, ô tô. 

Đối với hàng hóa xuất xứ không thuần túy, đại diện Bộ Công Thương cho biết không nhất thiết cứ phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Theo đó, hàng có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản. 

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho biết doanh nghiệp không được sử dụng cách thể hiện trên nhãn theo cách "Lắp ráp tại Việt Nam", "Gia công tại Việt Nam" hay "Thiết kể bởi Việt Nam" mà chỉ được phép lựa chọn các cách theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP nhãn hàng hóa để thể hiện hàng hóa là của Việt Nam.

Theo kinh nghiệm chung trên thế giới, các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của..." mà không dùng các cụm từ như "Chế biến tại..." hay "Sản xuất tại...".

Quy tắc "sản xuất tại Việt Nam" chặt hơn quy tắc xuất xứ xuất khẩu

Liên quan đến câu hỏi tại sao trong khu vực ASEAN, hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ mà trong dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam chỉ cần hàm lượng 30%, đại diện Bộ Công Thương cho biết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi là "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC).

Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì một sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D.

Thông tư này chặt hơn, với tỉ lệ giá trị gia tăng 30% chỉ tính riêng Việt Nam. Do đó, nhiều sản phẩm có thể đạt yêu cầu quy tắc xuất xứ ASEAN nhưng chưa chắc đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu dự thảo và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp… Đồng thời Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông để giải thích về mục tiêu ban hành Thông tư cũng như những nội dung mang tính kĩ thuật để doanh nghiệp, người dân có thể hiểu và góp ý.

Đức Quỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.