|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều hành lãi suất trong 'cơn xoáy' lạm phát - Bài cuối: Ngân hàng chuẩn bị vốn cho vay đầu năm mới

14:24 | 04/12/2022
Chia sẻ
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục tăng nhanh trong vòng 2 tháng qua kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hàng loạt mức lãi suất điều hành. Nhiều ngân hàng đang niêm yết lãi suất tương đối cao từ 10-11%/năm cho các kỳ hạn dài và có khả năng sẽ tiếp tục tăng.
Cuộc "đua" này đang gây áp lực không nhỏ lên lãi suất cho vay, đẩy cao chi phí vốn của doanh nghiệp. Tuy vậy, đây cũng là cách các ngân hàng thu hút dòng vốn, giữ chân khách hàng, chuẩn bị "sức khỏe" sẵn sàng nguồn vốn phục vụ cho vay đầu năm mới.

Cuộc "đua" vẫn nóng

Chỉ cách đây chưa đầy một tháng, lác đác "đếm trên đầu ngón tay" một vài ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất lên hơn 9%/năm. Vậy mà đến nay, mức huy động này đã không còn hiếm. Tại hàng loạt ngân hàng, lãi suất cao nhất đã cận kề 10%/năm, thậm chí từng có lúc lên trên mốc 11%/năm.

Cập nhật mới nhất cho thấy Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đang huy động lãi suất cao nhất lên tới 10,95%/năm đối với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng từ 500 tỷ đồng trở lên và 10,7%/năm với tiền gửi từ 1 tỷ đồng. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại DongABank kỳ hạn 6 tháng cũng được hưởng lãi suất dao động từ 10,05-10,2%/năm.

Đây là những mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng được niêm yết tại thời điểm này.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), lãi suất tiết kiệm cao nhất  lên tới 10,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng lên tới 10%/năm; kỳ hạn 6 tháng 9,6%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) kể từ tháng 12 cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 9,95%/năm, cao hơn 0,65%/năm so với thời điểm này tháng trước. SCB đang áp dụng lãi suất cao nhất này cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại quầy và kỳ hạn từ 12-36 tháng khi khách hàng gửi tiền trực tuyến.

Đối với các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất tại SCB hiện là 9,9%/năm khi gửi trực tuyến và từ 7,8-8,3%/năm khi gửi tại quầy.

Mức lãi suất cao nhất cận kề 10%/năm cũng được niêm yết tại nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 9,9%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 9,8%/năm; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 9,8%/năm...

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từng huy động lãi suất cao nhất hệ thống lên đến 11,1%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ áp dụng cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm sản phẩm Prime Savings kỳ hạn 36 tháng, các tháng tiếp theo của sản phẩm lãi suất là 9,25%/năm. Hiện tại, VPBank đã áp dụng mức chung 9,25%/năm cho cả kỳ hạn.

Cuộc "đua" càng trở nên nóng hơn khi có sự nhập cuộc của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Lãi suất huy động tại các ngân hàng này tăng từ 0,3-0,8%/năm, chủ yếu với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến. 

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) huy động tiền gửi trực tuyến mức cao nhất là 8,2%/năm, cao hơn đến 0,8%/năm so với tiết kiệm gửi tại quầy. Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiền gửi trực tuyến cao nhất cũng tăng lên là 7,7%/năm, cao hơn 0,3%/năm so với gửi tại quầy.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất huy động cao nhất niêm yết là 7,4%/năm. Tuy nhiên, khi gửi tiền trực tuyến khách hàng còn được cộng lãi suất thêm từ 0,4-0,5%/năm so với lãi suất tiền gửi tại quầy, nên mức lãi suất huy động cao nhất mà khách hàng được hưởng có thể lên khoảng 8%/năm.

Mức 7,4%/năm hiện cũng vẫn là lãi suất cao nhất đang niêm yết tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động hiện đã cao hơn hồi đầu năm từ 3-4%/năm và đang trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định sức ép nâng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 là vẫn còn và có thể tiếp diễn trong ít nhất là nửa năm tới.

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, nguyên nhân tăng lãi suất huy động một phần đến từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Nhưng phần khác còn liên quan đến sức khỏe thực tại của các ngân hàng.

"Câu chuyện đua tăng lãi suất có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khi tổng tiền vào hệ thống không tăng mà chỉ chuyển từ tổ chức tín dụng này sang tổ chức tín dụng khác và nếu không có biện pháp kiềm chế kịp thời thì cuộc đua lãi suất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, ngân hàng nói chung", TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng tăng lãi suất là lời giải chung cho bài toán chống lạm phát. Những biến động lãi suất trong nước còn phụ thuộc vào động thái từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương thế giới. Dự báo việc tăng lãi suất của Fed sẽ chậm lại và ổn định vào khoảng giữa năm 2023. Do đó, lãi suất ngân hàng trong nước sẽ còn được điều chỉnh trong ít nhất là nửa năm tới.

Đón "room" năm mới

Tác động sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước không phải là lý do duy nhất khiến lãi suất các ngân hàng tăng nhanh và tăng cao như thời gian qua.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III/2022, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Dù tăng trưởng dương nhưng tốc độ này là rất thấp so với tăng trưởng tín dụng khoảng 11% sau 9 tháng. Điều này gây ra sức ép không nhỏ lên thanh khoản của nhiều ngân hàng.

Do vậy để chuẩn bị nguồn cho vay, sẵn sàng đáp ứng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng trong năm tới, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm đẩy mạnh thu hút tiền gửi. 

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) đánh giá lãi suất trên thị trường tăng phản ánh rất rõ cuộc đua lãi suất của các ngân hàng để huy động vốn.

"Tại Vietbank, chúng tôi nỗ lực cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thuộc các lĩnh vực cần ưu tiên của nền kinh tế như dược - y tế, nhựa, du lịch, công nghiệp thực phẩm, nhà thầu xây lắp, xây dựng…", ông Trung chia sẻ.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định thiếu thanh khoản cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến ngân hàng liên tục tăng mạnh lãi suất và thậm chí còn tăng nhiều lần liên tục trong những tháng qua. "Các ngân hàng cũng phải "nhìn nhau" để tăng lãi suất, nếu không sẽ xảy ra sự dịch chuyển dòng vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Cân đối huy động vốn - tín dụng đang chịu nhiều áp lực", ông Phong cho biết.

Trước xu hướng tăng lãi suất huy động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho rằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng trước mắt mới chỉ tăng nhẹ từ 0,5-1%/năm chưa tác động quá nhiều. Nhưng về lâu dài, lãi suất tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí vốn của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiết giảm và tính toán để dòng vốn vay sinh lời hiệu quả. Chi phí sản xuất tăng cao cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngay sau văn bản này, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay tới 1%/năm để hỗ trợ khách hàng. Chính sách này áp dụng với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.
 
Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Số tiền giảm lãi suất ước tính lên tới 120 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022 nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.

 

Lê Phương

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.