Điều hành lãi suất trong 'cơn xoáy' lạm phát - Bài 3: Vẫn khó tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất
Như “trăng dưới nước”
Càng về cuối năm, doanh nghiệp càng chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra cũng như hoàn thiện các đơn đặt hàng. Vì vậy, nguồn tiền để quay vòng phục vụ sản xuất được xem như huyết mạch. Thế nhưng, việc tiếp cận được vốn ngân hàng luôn là thách thức không nhỏ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Câu chuyện vốn vay với doanh nghiệp được ví như “trăng dưới nước”, bởi chỉ có thể nhìn thấy mà không thể tiếp cận. Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khi các chi phí đều tăng, đơn hàng sụt giảm, để duy trì hoạt động, vấn đề chính yếu đối với các doanh nghiệp vẫn là vốn. Qua đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn được tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi cho phát triển cơ khí, công nghiệp hỗ trợ. Nhưng hầu hết doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong 2 năm COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hoạt động không có lãi, họ phải gồng mình vượt khó, tài sản có thể thế chấp cũng đã sử dụng, dẫn tới không thể vay được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ưu đãi 2% lãi suất từ nhà nước là chính sách tốt nhưng khó tiếp cận”, ông Long nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ, sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, đến nay, vốn vẫn là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp. Room tín dụng của các ngân hàng đang hạn chế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hỗ trợ vốn trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. Vì vậy, cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn cho doanh nghiệp. Hiện nay, các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại.
Cùng quan điểm trên, chủ một doanh nghiệp thủy hải sản lớn tại Cần Thơ cho hay, doanh nghiệp khát vốn, nhưng lại không thể tiếp cận, khi lãi suất tăng cao khiến khoản lãi vay phải trả tăng lên; cùng đó room tín dụng cũng đã hết.
Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong hai năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023. Nhưng thực tế trong nửa cuối năm nay, khó khăn do tình hình chung trên thế giới, lạm phát, tăng lãi suất, giảm đơn hàng, chi phí tăng cao… đang đè nặng lên doanh nghiệp. Vì vậy, dù hoạt động ổn định nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31.
Sớm trợ lực cho doanh nghiệp
Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên vay được vốn vẫn còn khó khăn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất, nhà nước xem xét giữ mức lãi suất hợp lý với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động, ông Giang kiến nghị.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc kiểm soát các ngân hàng cho vay bằng hình thức đưa ra room tín dụng để từ đó buộc các ngân hàng phải cho vay theo hạn mức tín dụng là điều không ai muốn. Song trong bối cảnh hiện nay, việc đó là cần thiết. Để hỗ trợ sản xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể theo dõi sát sao thường xuyên, xem ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng tốt, an toàn, hiệu quả thì nên nới room để phía ngân hàng đẩy mạnh hoạt động, đạt được kết quả mong muốn. Ngược lại cũng có thể thu room của ngân hàng không hiệu quả, hay cho vay nhiều lĩnh vực rủi ro lớn, làm được vậy các ngân hàng sẽ chủ động hơn và bơm vốn tốt hơn ra thị trường.
Theo Tiến sĩ Đặng Thái Bình, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, xét cho cùng, việc vay được vốn vẫn tùy thuộc nhiều vào chính năng lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đảm bảo sự trung thực và minh bạch của báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ... Nếu doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả, không đảm bảo được khả năng trả nợ mà phía ngân hàng vẫn cho vay thì sẽ rủi ro an toàn tín dụng.
Cũng theo ông Bình, cần tiến hành đánh giá, sàng lọc doanh nghiệp theo từng ngành, địa phương để vốn được đưa đến đúng những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và sử dụng tốt, từ đó, tiếp thêm sức và tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi cho doanh nghiệp, những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế; giảm chi phí; đồng thời các bộ, ngành, địa phương khẩn trương có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai nguồn vốn vay ưu đãi trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.