Nguồn vốn vào sản xuất có thể tăng mạnh từ quý II năm sau
Thời điểm hiện tại, vấn đề huy động vốn là một chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh thắt chặt tín dụng. Đây cũng là một trong những vấn đề được bàn luận ở Hội thảo "Ngành Thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" diễn ra tại TP Cần Thơ cuối tuần qua.
Tại hội thảo, khi nhận được câu hỏi: "Về vốn đầu tư phát triển, việc trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu giao dịch lên thị trường chứng khoán sẽ giúp công ty huy động vốn dễ hơn, nhưng thực tế có rất ít các doanh nghiệp SME huy động vốn thành công từ trước đến nay, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản, tài chính, ngân hàng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này? ", TS. Đinh Thế Hiển đã đưa ra nhận định và một số dự báo.
Theo chuyên gia, mặc dù trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ca ngợi là kênh huy động vốn quan trọng nhưng trong giai đoạn này và ba năm tới, TPDN là một kênh huy động cho công ty niêm yết chứ không phổ biến cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường.
Ông cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 là 7%/năm, trong khi tín dụng tăng trưởng 12-13%/năm, như vậy vẫn đủ vốn cung cấp cho nền kinh tế. Giai đoạn 2021-2022, do vấn đề về bất động sản khiến nguồn vốn bị kẹt lại.
Theo dự báo của TS. Đinh Thế Hiển, hết quý IV/2022, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ hoạt động ổn định trở lại và hết quý I/2023 lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt. Trong năm tới, nguồn vốn vào sản xuất ở quý I sẽ tốt và quý II sẽ tăng mạnh. Trong đó, vốn cho ngành thủy sản có thể sẽ thuận lợi hơn các ngành khác do doanh thu vẫn rõ rệt.
TS. Hiển nhận định năm 2023-2024, nguồn vốn cho các công ty thủy sản ở quy mô nhỏ và vừa vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu. Bên cạnh đó, ông đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp cần quản lý tốt tài chính, nghiên cứu để nguồn vốn nhẹ nhất, thanh khoản tốt nhất.
Các doanh nghiệp không nên phát triển bằng cách tăng trưởng đến đâu đầu tư đến đó mà nên hạn chế đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào những thứ cốt lõi, kết hợp thuê ngoài và kết nối với nhau. "Làm như vậy, quy mô tăng trưởng sẽ cao hơn quy mô vốn, bất cứ khi nào gặp khó khăn chúng ta đều có thể xoay sở được", TS. Đinh Thế Hiển nói.