|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều hành lãi suất trong 'cơn xoáy' lạm phát - Bài 2: Đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

11:00 | 04/12/2022
Chia sẻ
Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng.

TTXVN xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính về vấn đề này.

Trong năm 2022, đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại trong bối cảnh lạm phát leo thang. Sản xuất tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc thu hẹp. Nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ và thậm chí đứt gãy do cuộc chiến Nga-Ucraine và do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh COVID-19. 

Lạm phát tăng cao tại nhiều nước. Lạm phát tháng 8 năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 của Mỹ là 8,3%; Anh là 9,9%; Singapore là 7,5%. Lạm phát tháng 9 năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tại khu vực đồng EUR: 10%; tại Thái Lan: 6,41%; tại Indonesia: 5,95%. Có ít nhất khoảng 80 quốc gia trên thế giới lạm phát đã ở mức 2 con số trở lên. 

Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương các nước thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt và phát tín hiệu cứng rắn trong kiểm soát lạm phát.

Trước tình hình lạm phát toàn cầu ở mức cao, hiện Fed đã 6 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu (federal funds target rate) lên mức 3,75 - 4% / năm (là mức lãi suất cao nhất trong vòng gần 15 năm qua) và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và trong cả năm 2023. Theo số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của các ngân hàng trung ương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tháng 8/2022 so với cuối năm 2021, Chính phủ nhiều quốc gia đã thực hiện can thiệp tỷ giá hối đoái. Dự trữ ngoại hối các nước đều sụt giảm mạnh: Thái Lan (-31 tỷ USD); Trung Quốc (-195,2 tỷ USD); Ấn Độ (-82,8 tỷ USD); Hàn Quốc (-26 tỷ USD); Singapore (-130 tỷ USD). 

Theo thông tin thị trường, một số ngân hàng trung ương bán can thiệp ngoại tệ kỳ hạn, do đó lượng sụt giảm dự trữ ngoại hối thực tế nhiều khả năng lớn hơn số liệu trên. Mặc dù vậy, đồng tiền các nền kinh tế này vẫn mất giá rất mạnh so với USD (từ 10-28%). Theo Bloomberg, từ đầu năm 2022, dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm 1.000 tỷ USD (8,9%) xuống dưới 12.000 tỷ USD (đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu được theo dõi này vào năm 2003). 

Theo đó, nhiều đồng tiền trên thế giới đều chịu áp lực mất giá mạnh so với USD, cụ thể đến ngày 14/10, so với cuối năm 2021: Đô-la Đài Loan (-15,4%); Bath Thái (-15,3%); Yên Nhật (-29,2%); Won Hàn Quốc (-21,3%); Peso Philippines (-15,7%); Rupee Ấn độ (-10,6%); Ringít Malaysia (-12,9%); Nhân dân tệ Trung Quốc (-13,1%); Đồng Euro (-14,5%); Bảng Anh (-17,3%).

Đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá VND, tạo sức ép lên lạm phát. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can thiệp bằng việc bán ngoại tệ kỳ hạn cho các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu. Việc bán ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá hối đoái được thực hiện từ tháng 3/2022 cho tới nay, tùy theo nhu cầu thị trường. 

Đối với các lần thay đổi giá can thiệp, diễn biến thị trường ổn định, không có các xáo trộn lớn, tỷ giá tăng từ từ theo theo các diễn biến trong nước và quốc tế. 

Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều dư địa điều tiết ở cả thị trường mở lẫn các yếu tố cung cầu. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có trên 110 tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bán lượng đủ lớn USD để ổn định thị trường. Gần đây, ngân hàng trung ương cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng tham gia cung ứng ngoại tệ với tần suất nhiều hơn để điều tiết tỷ giá. 

Hơn nữa, việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh cũng làm cho cung ngoại tệ trong nền kinh tế tăng lên, giảm sức ép giảm giá đồng nội tệ. Đồng thời, do hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng trên 15% đang tạo ra cơ hội tăng nguồn thu ngoại tệ để giảm áp lực tỷ giá.

Về việc sử dụng công cụ lãi suất, để tránh sự giãn cách quá xa của lãi suất VND với USD và các đồng tiền khác, vừa gây áp lực lên tỷ giá, vừa tạo sự kém cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, ngày 22/09, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt. Các mức lãi suất mới chính thức áp dụng từ ngày 23/09/2022. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%. 

Tuy nhiên, trước áp lực cao của sự điều chỉnh lãi suất của USD (Tăng lãi suất từ đầu năm khoảng 4%) và các đồng  tiền khác, ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành thêm 1%, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. Điều này đã làm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất vay tăng cao. Để giảm áp lực thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong việc giữ ổn định lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc cho vay một lượng lớn vốn ngắn hạn với lãi suất khoảng 6% qua thị trường mở. Đồng thời, việc bơm-hút vốn cũng được thực hiện chủ động và linh hoạt trong từng thời kỳ.

Trong bối cảnh thách thức khó khăn hiện nay, để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ngày 17/10/2022 bằng Quyết định số 1747/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) từ ±3% lên ±5%. Đồng thời, Thống đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sác tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

Tăng tỷ giá bán can thiệp VND/USD lên mức mức tăng giá khoảng 8,84% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong thời gian cuối tháng 11/2022, trước mức suy giảm của USD, Ngân hàng Nhà nước đang điều chỉnh giảm tỷ giá USD/VND tới lần thứ 3 liên tiếp. Mức điều chỉnh giảm chưa nhiều, nhưng thể hiện áp lực tỷ giá đang giảm thấp và thể hiện sự theo dõi điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.

Theo một số tổ chức quốc tế, dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn cầu năm 2022 bình quân khoảng 8,8%, năm 2023 ở mức 6,5 % và 2024 là 4,1%. Lạm phát chung của Mỹ tháng 6 là 9,1%, tháng 7 ở mức 8,5%, tháng 8 tăng 8,3% và hiện giảm xuống mức 7,7%. Như vậy, khả năng lạm phát chung và lạm phát lõi của Mỹ đã và đang giảm. 

Việc điều chỉnh lãi suất có thể vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng với tần suất và mức tăng thấp hơn sẽ làm cho giá trị USD chững lại và thậm chí có khả năng suy giảm do kinh tế tăng trưởng trì trệ. Áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt, việc can thiệp sẽ ít hơn, thậm chí có thể VND sẽ lên giá để mức thay đổi giảm giá giữa VND so với USD sẽ giảm thấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; trong đó xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số tổ chức tín dụng có đề nghị. Nhưng mức độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 có thể chỉ ở mức từ 12-13%. 

Theo Nghị quyết của Quốc hội, kinh tế tăng trưởng ở mức 6,5% và lạm phát kiềm giữ dưới 4,5% thì việc tăng lãi suất sẽ được tiếp tục theo dõi, xem xét, nhưng nếu có tăng thêm sẽ ở mức độ khoảng 0,5-1% trong năm 2023. Mức độ điều chỉnh tỷ giá sẽ cố gắng giữ ở mức 4-5%.

Mai Phương