Điều gì xảy ra khi thế giới không còn tiền mặt?
Thanh toán không tiền mặt đang là xu hướng nhiều quốc gia theo đuổi - Ảnh: RETUERS |
Nhiều chuyên gia cho rằng đến năm 2020 thế giới sẽ có các xã hội không tiền mặt. Ngày nay, rất nhiều quốc gia đang theo đuổi xu hướng thanh toán này.
Quốc gia nào ít xài tiền mặt nhất?
Một nghiên cứu của Forex Bonuses năm 2017 đã xếp hạng 10 quốc gia thực hiện hạn chế thanh toán tiền mặt tốt nhất trên toàn cầu.
Nghiên cứu này khảo sát dựa trên các tiêu chí: lượng thẻ ghi nợ (debit) và thẻ tín dụng trung bình của một người, tốc độ phổ biến thanh toán không tiền mặt và sự phổ biến chung của các công nghệ thanh toán di động.
Đứng đầu danh sách là Canada, với khoảng 57% giao dịch được thực hiện bằng phương thức không tiền mặt.
Thụy Điển tuy có tới 59% là giao dịch không tiền mặt, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ ở khoảng 13 điểm phần trăm, so với 16 điểm của Canada.
Những quốc gia còn lại trong nhóm năm nước đứng đầu là Anh, Pháp và Mỹ.
Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia đang phát triển duy nhất lọt vào danh sách này, đứng ở vị trí thứ 6.
56% số thẻ phát hành tại Trung Quốc đều có ứng dụng công nghệ không tiếp xúc (contactless). Cường quốc châu Á này còn được chấm điểm cao nhất ở tiêu chí công nghệ và tốc độ tăng trưởng thanh toán không tiền mặt, với 100 điểm tuyệt đối.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có 10% lượng giao dịch được thực hiện bằng phương thức thanh toán không tiền mặt.
‘Những kẻ mộng du’
Nhiều quốc gia giàu có hiện nay đang quay lưng với một xã hội tiền mặt. Các hãng công nghệ lớn như Apple đang đánh cược lớn vào mô hình thanh toán tương lai, với niềm tin thế giới sẽ ngày càng phụ thuộc vào các loại thẻ tín dụng và công nghệ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, CNBC nhận định rằng những rủi ro của một thế giới không tiền mặt có thể đe dọa hàng triệu người.
Nghiên cứu mới mang tên Access to Cash được công bố tại Anh tháng 12-2018 báo động về vấn đề này.
Theo đó, một xã hội không tiền mặt có thể giới hạn khả năng giao dịch của người nghèo, có nợ nần hay người khuyết tật, các gia đình ở nông thôn, hoặc bất kỳ ai có khả năng bị lệ thuộc tài chính vào kẻ xấu.
Nghiên cứu trên cảnh báo: "Rất nhiều người đang vật lộn để tham gia vào một xã hội kỹ thuật số. Nếu chúng ta bước vào nền kinh tế không tiền mặt như người mộng du, chúng ta sẽ bỏ lại sau lưng hàng triệu người".
Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn cảnh báo nguy cơ nền kinh tế có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi tấn công mạng và lỗi hệ thống.
Các quốc gia có kinh nghiệm hạn chế thanh toán tiền mặt dày dạn đã bắt đầu tìm giải pháp cho những vấn đề nảy sinh, điển hình như Thụy Điển.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết thị trường thanh toán bán lẻ của quốc gia trên đã rời xa tiền mặt.
Phương thức thanh toán này chỉ góp mặt trong 1% GDP của Thụy Điển. Điều đó kéo theo những thách thức quan trọng về vai trò của nhà nước trong thị trường thanh toán.
Hàng trăm năm qua, người dân vẫn được nhà nước cung cấp công cụ giao dịch là tiền giấy và tiền xu. Nếu nguồn tiền mặt này bị cắt hẳn, họ sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào các ngân hàng thương mại để tiếp cận với tiền và các phương thức thanh toán.
Công cụ chính sách mới
Chỉ trong một vài năm nữa, xu hướng này có thể dẫn đến kết quả là tiền mặt hoàn toàn bị vô hiệu hóa tại Thụy Điển.
Chính quyền Stockholm quyết định giải quyết vấn đề trên bằng một đồng tiền điện tử, được đặt tên là e-krona, theo đồng krona, đơn vị tiền tệ của quốc gia này.
Tùy theo cách thiết kế, đồng tiền này có thể dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau trong đó tác động
đối với hệ thống tài chính là sẽ phụ thuộc vào độ lớn nhu cầu dành cho đồng e-krona tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Việc quyết định lãi suất của đồng tiền điện tử trên cũng là một vấn đề khác. Nếu e-krona có lãi suất bằng 0 giống như tiền mặt, đồng tiền này có thể gây ra tác động không tốt. Chính phủ có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ, khi lãi suất trong nền kinh tế quá thấp.
Ngược lại, đồng e-krona với mức lãi suất phù hợp có thể là một công cụ chính sách mới dành cho ngân hàng trung ương.
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Các ý kiến đóng góp, đặt vấn đề, nêu ý tưởng để góp phần xây dựng một nền kinh tế không tiền mặt tại Việt Nam gửi về địa chỉ mail: phituan@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online sẽ chọn đăng các bài viết phù hợp và các tác giả sẽ được mời đến dự buổi hội thảo về chủ đề này vào ngày 15-1-2019 tại TP.HCM.