Thanh toán không dùng tiền mặt đang thắng thế
FamilyMart gia nhập thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Nhật Bản | |
Cạnh tranh thanh toán không dùng tiền mặt |
Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại một quán ăn ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm, các hình thức thanh toán mới đang thay đổi rất nhanh thói quen của người dân. Tương lai cho thanh toán không dùng tiền mặt có vẻ như đang đến rất gần.
Ngồi tại Việt Nam mua hàng ở Nhật, Mỹ...
Chị Nguyễn Thị Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết vừa nhận được chiếc máy tính ở Mỹ chuyển về để tặng con gái nhân dịp sinh nhật, không cần đi Mỹ hay nhờ ai mua về. Nhân dịp ngày Black Friday năm 2018 phía Mỹ khuyến mãi rầm rộ, chị lên trang web thương mại điện tử, dạng như Amazon để chọn hàng, thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế.
Chị có thẻ Vietcombank MasterCard Debit do Vietcombank phát hành, ngồi tại Việt Nam hay bất kể đâu, chỉ cần 5 - 7 phút để chọn hàng, điền thông tin (người mua, địa chỉ người nhận, mã số thẻ tín dụng...) có thể mua hàng tại Mỹ, Nhật, Úc... thành công, giá khéo chọn sẽ rẻ hơn mua trong nước.
Chị Huyền cho hay hai năm trở lại đây, các ngân hàng cạnh tranh thị phần thẻ rất gay gắt. Họ đưa ra các chương trình như hoàn tiền, miễn phí sử dụng thẻ năm đầu tiên, thậm chí có ngân hàng còn liên kết với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành lớn... để giảm giá, có khi giảm tới 50% hóa đơn sử dụng dịch vụ.
Anh Đức Thành (Q.7, TP.HCM) nói: các ngân hàng đều khuyến mãi thẻ, vì vậy anh đang có tới 3 thẻ tín dụng như Vietcombank, ACB... "Canh" các khuyến mãi để chọn thẻ nào cho thanh toán, có tuần anh nhận được khuyến mãi cả triệu đồng.
Ngay cả trả hóa đơn, như ACB có chương trình hoàn tới 30% giá trị thanh toán hóa đơn qua ngân hàng này cho một số khách hàng. Dù phải trả phí thẻ hằng năm, lợi ích của anh vẫn lớn hơn khi tổng kết lại năm 2018 anh nhận được khoản giảm tới gần 20 triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều ngân hàng có cơ chế hoàn từ 1% tổng lượng tiền chi tiêu qua thẻ.
Vài năm trước, từ thanh toán tiền điện, nước, truyền hình cáp, Internet chị Bích Vân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đều dùng tiền mặt. "Không phải lúc nào họ thu tôi cũng ở nhà. Nếu không gặp phải lên tận nơi để đóng... rất bất tiện" - chị Vân nói.
Từ năm ngoái, sau khi tải ứng dụng về điện thoại và liên kết với tài khoản ngân hàng, chỉ vài thao tác chị Vân đóng xong tiền điện, nước. "Kể từ tháng sau đó, ví điện tử tự động nhắc đến ngày thanh toán, thậm chí so sánh số tiền phải thanh toán tăng, giảm thế nào" - chị Vân hào hứng kể.
Thanh toán tiền mặt đang giảm nhanh
Ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cho biết hiện EVN còn thu tiền điện qua các kênh dịch vụ của ngân hàng và tổ chức trung gian như trích nợ tự động, ATM, Internet banking, mobile banking, ví điện tử...
Nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng, đến nay EVN đã hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian để đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng, trung gian thanh toán. Hiện tỉ lệ hóa đơn thanh toán qua ngân hàng và trung gian thanh toán tăng từ 14,8% năm 2015 lên trên 45% năm 2018.
Doanh thu tiền điện thanh toán qua kênh này từ 64,35% năm 2015 đến thời điểm này tăng thêm khoảng 20%, tỉ lệ thu tại quầy điện lực giảm mạnh...
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), cho biết tại đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Với mục tiêu này, những năm gần đây, với sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính ngân hàng, doanh nghiệp... những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng. Bên cạnh hình thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng, việc thanh toán trực tuyến qua Internet banking, mobile banking, SMS banking, ví điện tử ngày càng phổ biến.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vietcombank, các công nghệ thanh toán ngày càng hiện đại, các sản phẩm thẻ ngân hàng không chỉ ở phương thức truyền thống là quẹt hoặc đưa thẻ vào khe đọc mà hiện nay chỉ cần "chạm" để thanh toán (contactless), tiện lợi hơn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai phương thức thanh toán trên các ứng dụng di động như mã vạch hai chiều QR Pay, thanh toán trên thiết bị di động ứng dụng công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn NFC hoặc MST, mà ví dụ điển hình là dịch vụ Samsung Pay...
Nguồn: NHNN - Đồ họa: T.ĐẠT
Hạ tầng phát triển nhanh, tăng tiện ích
Phát biểu tại một hội nghị về phát triển ngân hàng bán lẻ mới đây ở TP.HCM, ông Nghiêm Thanh Sơn - phó vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - nói theo thống kê cho thấy tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm.
Tính đến thời điểm 30-9-2018, số món giao dịch qua ATM tăng 12% so với cuối năm 2017, còn số món giao dịch qua POS tăng 42%. Đến nay đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.
Ngoài ra, thị trường có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Một số ngân hàng hiện đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, mới với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Nhận xét chung về thanh toán không dùng tiền mặt, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định ngành ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi và liên tục nâng cấp hệ thống, tích hợp thanh toán đa kênh... nhằm đem đến cho khách hàng nhiều tiện ích. Trong đó thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới.
Nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán tại Việt Nam nhìn chung đã có chuyển biến tích cực. Ngày càng nhiều người tiêu dùng, các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ đã tự lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông PHẠM TIẾN DŨNG (vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước):
6 tháng, 127 triệu món thanh toán qua Internet
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2018, giao dịch thanh toán qua kênh Internet đạt 127 triệu món với giá trị giao dịch 8.020 tỉ đồng; tăng trưởng 50% về món và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Còn giao dịch thanh toán kênh mobile đạt 81 triệu món với giá trị giao dịch là 676 tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017 là 32% về món và 144% về giá trị.
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH (phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM):
Mở rộng ra khu vực công
Để đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt, cần mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công. Ngoài các lĩnh vực đã và đang thực hiện, cần mở rộng và gắn kết vào việc thu phí, lệ phí các dịch vụ công trực tuyến, dự án xe buýt điện tử, vé tàu điện tử. Bên cạnh đó, cần tăng truyền thông để từng bước thay đổi thói quen của người dân.