|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì sẽ xảy ra nếu VND mất giá mạnh so với USD?

17:42 | 14/09/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã vốn nhập khẩu lạm phát rồi lại nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần đặc biệt kiểm soát giá, không để mất giá đồng tiền Việt Nam.

USD vừa có chiều hướng tăng mạnh trở lại sau khi số liệu lạm phát Mỹ tăng tháng 8 cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Điều này dự báo gần như chắc chắn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 3 trong năm nay.

Sáng nay (14/9), tỷ giá trung tâm đã quay đầu tăng mạnh 13 đồng so với phiên liền trước, đang niêm yết ở mức 23.257 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 23.955 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.559 VND/USD.

Đây là phiên tăng đầu tiên trong 4 phiên gần đây của tỷ giá trung tâm. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay cũng đồng loạt được điều chỉnh tăng mạnh từ 20 đến 90 đồng tùy từng ngân hàng.

Xu hướng tăng của USD đã xuất hiện từ đầu năm nay khi lạm phát của Mỹ tăng phi mã và chỉ vừa mới hạ nhiệt khi con số lạm phát tháng 7 của Mỹ được kiềm chế. Theo các chuyên gia, tỷ giá đang là vấn đề khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", một mặt cần kiểm soát lạm phát, một mặt cần hỗ trợ các doanh nghiệp.

Vấn đề này cũng vừa được đưa ra thảo luận tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay diễn ra chiều 12/9.

Theo chuyên gia tài chính Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. Nếu không cho đồng VND tăng giá thì thôi chứ nhất định không để cho đồng VND giảm giá. 

Vị chuyên gia này dự báo, chắc chắn ngày 21/9, Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá.

Đối với Việt Nam, cần neo theo USD để kiểm soát lạm phát bởi thành công rất lớn trong kiềm chế lạm phát mà chúng ta đạt được như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp thầm lặng của chính sách tỷ giá.

Diễn biến tỷ giá VND/USD giai đoạn tháng 1/2021 đến nay (Nguồn: SSI Research).

Có thời điểm đồng VND mất giá 2,5-3% so với USD 

Tại báo cáo thị trường tiền tệ tuần 5-9/9, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cũng cho biết, trong các phiên giao dịch đầu tiên đầu tuần trước, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank có thời điểm điều chỉnh tăng mạnh lên đến 140 đồng cho cả 2 chiều mua vào/bán ra trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng cửa vượt mức 23.500 đồng/USD.

Như kỳ vọng, vào ngày 7/9, NHNN đã nâng giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.700 VND (từ mức 23.400 VND).

Đây có thể là lần điều chỉnh tỷ giá bán USD cuối cùng trong năm nay từ NHNN và một số điểm tích cực được ghi nhận trong lần điều chỉnh lần này.

Thứ nhất, khác với những lần điều chỉnh trước, diễn biến tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt sau khi NHNN điều chỉnh, và kết tuần tỷ giá giá niêm yết tại Vietcombank chỉ tăng 90 đồng so với cuối tuần trước.

Thứ hai, diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao. Điều này cho thấy mức tỷ giá USD/VND mà thị trường chấp nhận hiện tại là khoảng 23.500 - 23.600 VND và mức giá chào bán của NHNN được đưa ra cao hơn để có thể chuẩn bị cho việc USD tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Về cuối năm, SSI Research kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu, và kiều hối. Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, và có thời điểm VND có thể mất 2,5-3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Fed có thể đi vào giai đoạn cuối, và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

 VND vẫn đang nằm trong nhóm mất giá ít nhất so với USD. (Nguồn: SSI Research).

VND mất giá, điều gì sẽ xảy ra?

Phân tích về yếu tố tỷ giá tác động đến kinh tế vĩ mô, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu không ổn định được tỷ giá, Việt Nam đã vốn nhập khẩu lạm phát rồi lại nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp khi nguyên vật liệu đầu vào càng trở lên đắt đỏ. Nếu không kiểm soát được lạm phát, nguy cơ đối với nền kinh tế sẽ là rất lớn. 

Ngược lại, nếu Việt Nam duy trì chính sách ổn định tỷ giá kéo dài lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu vì USD tăng giá cũng làm cho VND tăng giá theo so với các đồng tiền khác,... Khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ bị đắt lên. Từ đó gây tác động bất lợi đến xuất khẩu. 

Trong phần kết luận hội nghị chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng, phải luôn hết sức bình tĩnh, bám sát tình hình thực tiễn để có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. 

"Đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không? Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả", Thủ tướng khẳng định. Đặc biệt là kiểm soát giá, không để mất giá đồng tiền Việt Nam.

Hạ An

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.