Điều gì làm Trung Quốc giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?
Tâm lý chờ đợi
Việc chần chừ không đưa ra quyết định trong giai đoạn khó khăn đang đặt các công ty nước ngoài tại Trung Quốc vào thế bấp bênh. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp, cách tiếp cận chờ xem vẫn là lựa chọn an toàn nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Ngay cả ở khu vực kinh tế năng động nhất Trung Quốc là Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area), một số doanh nghiệp nước ngoài, đang duy trì sự hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục trì hoãn kế hoạch mở rộng kinh doanh, hoặc bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động.
Động thái trên diễn ra sau hai năm Bắc Kinh áp dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng gặp khó khăn và quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây xấu đi. Theo SCMP, bà Tace Chen, quản lý cấp cao của một công ty tư vấn Nhật Bản tại Quảng Châu, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản và nước ngoài khác đang giảm bớt quy mô kinh doanh tại Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cam kết thúc đẩy Vùng Vịnh Lớn nhằm tạo ra một siêu đô thị tại miền Nam Trung Quốc và đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, song bà Chen cho rằng chính sách hỗ trợ không đủ để bù đắp những tác động nghiêm trọng do chính sách Zero COVID gây ra. Theo bà Chen, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không rời Trung Quốc nếu chưa đến bước đường cùng, song họ thiếu động lực để gia tăng đầu tư.
Sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và tác động đối với vị thế của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư sẽ là vấn đề được các quan chức nước này cân nhắc đến khi tiến hành đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng tới. Dự kiến, tại đại hội lần này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa ra những trọng tâm trong kế hoạch phát triển 5 năm tới.
Tác động trong lẫn ngoài nước
Những yếu tố bên ngoài như cuộc chiến tại Ukraine và căng thẳng trên eo biển Đài Loan là một trong những nguyên nhân tạo ra thách thức cho Trung Quốc trên nhiều mặt đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của nước này đối với các công ty đa quốc gia.
Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, lưu ý sự gia tăng những diễn biến chính trị đang tác động đến doanh nghiệp. Ví dụ, hơn 30% doanh nghiệp châu Âu cho biết sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư đã giảm sau xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, theo ông Wuttke, việc Trung Quốc kiên định theo đuổi chính sách kiểm soát dịch COVID-19 khiến nền kinh tế nước này đang phải “trả giá”.
Trong quý II/2022, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4%, do chính sách hạn chế để kiểm soát dịch và các đợt phong tỏa quy mô lớn tại các thành phố lớn như Thượng Hải.
Ngoài ra, chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8 cũng làm dấy lên những lo ngại. Ông Wuttke cho biết các doanh nghiệp đang đánh giá tác động của một cuộc phong tỏa hoặc xung đột đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong trường hợp họ phải rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc như nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tại Nga.
Một cuộc khảo sát hàng năm của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc cho thấy các tập đoàn Mỹ tại Trung Quốc đang trong trạng thái chờ và không có kế hoạch thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong 12 tháng tới.
Theo kết quả khảo sát, chỉ số niềm tin về điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc đã xuống thấp kỷ lục, khi các doanh nghiệp Mỹ phàn nàn về sự suy yếu của tiêu thụ nội địa, tình trạng gián đoạn cung ứng và quan hệ song phương căng thẳng.
Ông Tommy Wu, nhà kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Oxford Economics, nhận định cả yếu tố trong lẫn ngoài nước đều đang ảnh hưởng rõ ràng đến quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc.
Số liệu gần đây nhất cho thấy trong năm 2020 đầu tư vào Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 23,8% so với 10 năm trước và đầu tư từ Liên minh châu Âu giảm 11,8% so với năm trước đó.
Một số điểm sáng
Tuy nhiên, ông Liu Wei, một cộng sự tại công ty luật Pinsent Masons ở Thượng Hải, cho rằng trong khi một số công ty quốc tế lo lắng về các vấn đề vĩ mô, hoạt động đầu tư vẫn phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực và doanh nghiệp cụ thể.
Theo ông Liu, xe điện (EV) là một ngành công nghiệp hấp dẫn và nhiều công ty vẫn đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Liu cho biết vốn nước ngoài đang chảy vào sản xuất thiết bị EV, pin và dịch vụ sạc nhanh.
Ông Liu nhấn mạnh đối với những công ty đa quốc gia có nhu cầu mạnh mẽ tại Trung Quốc, hoặc có mối quan tâm sâu sắc đến việc mua lại năng lực sản xuất, công nghệ hoặc kênh phân phối, quyết định đầu tư của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều.