|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì khiến đồng Baht Thái Lan trở thành 'vịnh tránh bão'?

16:16 | 26/10/2019
Chia sẻ
Ngân hàng Trung ương Thái Lan có lẽ đang nhận thấy một điều rằng ngăn đà tăng giá của đồng Baht là một nhiệm vụ ngày càng khó khăn, hãng tin Bloomberg cho hay.
dong baht thai lan

Tính từ đầu năm, đồng nội tệ của Thái Lan đã tăng 7,8%. (Ảnh: Bloomberg)

Trong phiên giao dịch ngày 25/10, tỷ giá đồng Baht có lúc tăng tới 0,3%, đạt 30,187 Baht đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2013. Tính từ đầu năm, đồng nội tệ của Thái Lan đã tăng 7,8%, mạnh hơn đồng tiền của bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác ngoại trừ đồng Rúp Nga.

Sự leo thang của tỷ giá đồng Baht diễn ra bất chấp những nỗ lực kiềm chế của nhà chức trách Thái Lan. Chính phủ nước này lo ngại rằng đồng Baht quá mạnh sẽ trở thành một trở ngại lớn đối với nền kinh tế quy mô 505 tỷ USD. 

Hôm 9/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana nói Ngân hàng Trung ương nên "quan tâm" đến đồng Baht.

Đồng Baht - "vịnh tránh bão"

Theo Bloomberg, có một số nhân tố khiến giới đầu tư rót vốn mạnh vào đồng Baht, xem đồng tiền này như một "vịnh tránh bão". Tuy nhiên, nhân tố quan trọng hơn cả chính là cán cân vãng lai lành mạnh của Thái Lan - các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cho hay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Thái Lan sẽ đạt thặng dư cán cân vãng lai tương đương 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm nay, cao gấp đôi mức của Nhật Bản - quốc gia có đồng Yên luôn được nhà đầu tư toàn cầu xem như "hầm trú ẩn" hàng đầu.

Dự trữ ngoại hối cao và lạm phát ở mức thấp của Thái Lan cũng là những yếu tố quan trọng khác đóng góp vào sự tin tưởng của giới đầu tư đối với đồng Baht. 

Dự trữ ngoại hối trong tay Ngân hàng Trung ương Thái Lan hiện ở mức 220 tỷ USD, tương đương hơn 12 tháng nhập khẩu. Lạm phát của nước này hiện ở mức 0,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1-4% mà Ngân hàng Trung ương đề ra.

Bên cạnh đó, đồng Baht còn nhận được một cú huých từ vàng. Với tư cách là một trung tâm giao dịch vàng của khu vực, Thái Lan hưởng lợi khi nỗi lo của giới đầu tư toàn cầu về thương chiến và giảm tốc kinh tế đẩy giá vàng tăng 17% trong năm nay.

Nền kinh tế "chịu trận" vì Baht mạnh

Theo lý thuyết kinh tế và thực tế thường thấy, khi đồng nội tệ của một quốc gia tăng giá, xuất khẩu của nước đó chịu ảnh hưởng bất lợi. 

Thái Lan không phải là một ngoại lệ. Ngoài ra, ngành du lịch Thái Lan - lĩnh vực đóng góp khoảng 1/5 GDP của nước này, cũng đang gặp khó vì đồng Baht tăng giá.

Tháng trước, Hội đồng Du lịch Thái Lan cắt giảm dự báo số du khách thăm nước này năm nay còn dưới 40 triệu lượt, với lý do chính là đồng nội tệ mạnh.

Tất cả những yếu tố này đang gây sức ép suy giảm tăng trưởng kinh tế Thái Lan. Một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia của Bloomberg dự báo kinh tế Thái Lan tăng trưởng 3% trong năm 2019, so với mức tăng 4,1% đạt được trong năm ngoái.

Loay hoay ứng phó

Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế sự tăng giá của đồng Baht. Gần đây nhất, vào hôm 10/10, Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuyên bố sẽ nới các biện pháp kiểm soát vốn để nhà đầu tư trong nước có thể đầu tư ra nước ngoài dễ dàng hơn.

Thống đốc Veerathai Santiprabhob cũng kêu gọi tăng đầu tư trong nước để giảm bớt thặng dư tài khoản vãng lai.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng thực thi một số biện pháp nhằm hạn chế dòng vốn ngắn hạn chảy vào nước này, bao gồm cắt giảm lượng tín phiếu kho bạc bán ra. 

Hồi tháng 7, mức trần mua tín phiếu kho bạc Thái Lan đối với các tài khoản ngân hàng không phải của người cư trú ở Thái Lan giảm xuống còn 200 triệu Baht, tương đương 6,6 triệu USD, từ mức 300 triệu Baht trước đó.

Năm nay, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cắt giảm lãi suất một lần, đưa lãi suất tham chiếu hạ 0,25 điểm phần trăm về mức 1,5% vào tháng 8. 

Tuy nhiên, ông Kanit Sangsubhan, một trong 7 thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ Thái Lan, nói rằng việc giảm thêm lãi suất sẽ không giúp ích nhiều trong việc hạn chế sự tăng giá của đồng Baht.

Cho tới hiện tại, còn một biện pháp mà Thái Lan còn ngần ngại, không muốn sử dụng nhiều, là can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối. Chính phủ nước này có lẽ lo rằng cách làm như vậy sẽ dẫn tới việc Thái Lan bị Mỹ gắn nhãn nước thao túng tỷ giá tiền tệ.

Giới đầu tư và chuyên gia hiện đang theo dõi liệu đồng Baht có tăng giá quá mức 30 Baht đổi 1 USD, một mức tỷ giá mà đồng tiền của Thái Lan chưa hề phá vỡ trong 6 năm qua. 

Trong số 24 chuyên gia được Bloomberg khảo sát, chuyên gia của Morgan Stanley là vị duy nhất dự báo Baht sẽ phá mốc 30 trước cuối năm nay. Dự báo bình quân là Baht sẽ giảm giá ngưỡng 30.8-31 Baht/USD trong năm 2020.

Theo tính toán của IMF, bao gồm dựa trên dòng chảy thương mại của Thái Lan, đồng Baht hiện đã bị định giá cao hơn so với giá trị thực. 

Thước đo này cho thấy đồng Baht đang mạnh nhất kể từ thời điểm trước khi đồng tiền này rớt giá mạnh vào năm 1997 vì khủng hoảng tài chính châu Á.

Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá đồng Baht trong thời gian tới sẽ tùy thuộc nhiều vào kết cục của thương chiến Mỹ-Trung và cách ứng phó của Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

An Huy