Điều gì giúp một cổ phiếu họ Vinaconex lầm lũi tăng giá gần 4 lần sau 4 năm lên sàn?
Cổ phiếu hiếm hoi họ Vinaconex liên tục tăng giá trong gần 4 năm
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với hàng nghìn mã, công cuộc nghiên cứu và lựa chọn cổ phiếu để nắm giữ luôn là công việc khó khăn. Trong xu hướng "uptrend", thị trường trải qua nhiều con sóng điển hình như sóng cổ phiếu dầu khí năm 2016, Ngân hàng và Bất động sản (2017, 2018), khu công nghiệp, dệt may (đầu năm 2019).
Tuy nhiên, thị trường luôn có những cổ phiếu "lầm lũi" đi lên, cổ phiếu VCP của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex P&C) là một trong số đó.
Hiện, cổ phiếu thuộc họ Vinaconex trên thị trường rất đa dạng về ngành nghề và thị giá thuộc hàng "thượng vàng, hạ cám". Điển hình, những cổ phiếu có mức giá hàng chục nghìn đồng như VCG, VCP hay những mã có thị giá chỉ vài nghìn đồng như VHD, thậm chí có mã chỉ vài trăm đồng một cổ phiếu như PVV.
Diễn biến giá cổ phiếu VCP kể từ khi lên sàn và so sánh với các cổ phiếu khác 'họ Vinaconex'. Nguồn: VNDirect
Trong số những mã thuộc "họ Vinaconex" trên sàn, VCP là một trong những cổ phiếu hiếm hoi tăng giá liên tục kể từ khi lên sàn. So với mức giá điều chỉnh 13.450 đồng/cp tại thời điểm lên UPCoM ngày 16/12/2016, giá cổ phiếu VCP tăng khoảng 3,8 lần sau, lên 51.100 đồng/cp tại ngày 11/7.
Đáng chú ý, phiên hôm nay, khối lượng đặt mua giá trần với cổ phiếu VCP là 638.300 đơn vị. Cùng với đó là giao dịch thỏa thuận hơn 4,2 triệu cổ phiếu với giá trị trên 170 tỉ đồng, tương đương 40.075 đồng/cp. Trước đó, kể từ ngày 25/10, thị trường liên tục xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu VCP.
Vậy, Vinaconex P&C có gì đặc biệt khiến giá cổ phiếu liên tục tăng và xuất hiện những giao dịch khủng?
Vinaconex đang sở hữu bao nhiêu cổ phần tại đây?
Vinaconex P&C tiền thân là Thủy điện Cửa Đạt, hiện có vốn điều lệ 569,99 tỉ đồng, tương đương số lượng gần 57 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Hiện, tỉ lệ sở hữu của Vinaconex tại công ty liên kết này là 28,02%.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính quí III/2019, giá gốc khoản đầu tư của Vinaconex vào Vinaconex P&C là 137,5 tỉ đồng, giá trị hợp lí tại ngày 30/9 là 616,5 tỉ đồng.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp
Ngoài Vinaconex, ba cổ đông lớn là tổ chức đang sở hữu cổ phần tại Vinaconex P&C gồm CTCP Đầu tư VSD (10,91%), CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất (10%) và TCT Sông Đà (7,08%).
Giao dịch gần đây nhất, Đầu tư Châu Á Thống Nhất mua vào 3,2 triệu cổ phiếu trên tổng số 3,5 triệu cp đăng kí vào tháng 7, nâng số lượng cổ phần nắm giữ lên 5,7 triệu cp. Cùng khoảng thời gian này, từ ngày 10/7 đến 5/8, Đầu tư VSD mua không thành 3,5 triệu cp.
Được biết, Đầu tư VSD là công ty có liên quan đến ông Vũ Ngọc Tú - Phó Chủ tịch HĐQT và ông Trịnh Nguyên Khánh - Trưởng Ban kiểm soát của Vinaconex P&C. Ông Tú hiện là Tổng Giám đốc của Đầu tư VSD, trong khi ông Khánh giữ chức Phó Tổng Giám đốc.
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều, Vinaconex P&C kinh doanh gì?
Hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex P&C là đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và sản xuất và kinh doanh điện năng.
Dự án Thủy điện Xuân Minh được xây dựng trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Chu, tỉnh Thanh Hoá với công suất lắp máy là 15MW gồm 2 tổ máy, điện lượng trung bình hàng năm là 66,1 triệu kWh.
Hiện, công ty có hai công ty con là Thủy điện Bái Thượng (vốn điều lệ 50 tỉ đồng) và Thủy điện Xuân Minh (75 tỉ đồng). Tỉ lệ sở hữu tại hai công ty con này đều là 51%.
Với hoạt động kinh doanh cốt lõi là kinh doanh điện năng, trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu và lợi nhuận của Vinaconex P&C liên tục tăng.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp
Giai đoạn 2014 - 2016, doanh thu và lợi nhuận của Vinaconex P&C lên tục sụt giảm. Tuy nhiên giai đoạn sau khi công ty lên sàn 2016 - 2018, doanh thu của công ty hồi phục và tăng từ 228,4 tỉ đồng lên 512,5 tỉ đồng, tương ứng 124,4%; cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 69,7 tỉ đồng lên 234,9 tỉ đồng, tương đương gần 3,4 lần.
Kết quả kinh doanh đột biến năm 2018 nhờ công ty thu 106,6 tỉ đồng chênh lệch trên thị trường điện từ việc chào giá khi tham gia thị trường cạnh tranh, giá bán điện bình quân năm 2018 cao nhất kể từ khi phát điện, đạt 968 đồng/Kwh (năm 2017: 789 đồng/Kwh và năm 2016 là 786 đồng/Kwh).
Bên cạnh đó, lượng nước về hồ Hủa Na và Cửa Đạt tăng đột biến trong quí III/2018, gấp 3 lần trung bình nhiều năm trước đó.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của công ty đạt 396,7 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kì năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 188,6 tỉ đồng, tăng 9,6%. So với kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ với doanh thu 610 tỉ đồng và LNST 248 tỉ đồng, Vinaconex P&C thực hiện 65% chỉ tiêu doanh thu và 76% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Đầu tháng 10 vừa qua, HĐQT của Vinaconex P&C công bố nghị quyết xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019. Tuy nhiên, con số điều chỉnh cụ thể chưa được công bố.
Vinaconex P&C đều đặn trả cổ tức tiền mặt ba năm gần đây
Nhờ doanh thu khởi sắc, Vinaconex P&C đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt trong ba năm gần đây, trở thành một trong những "gà đẻ trứng vàng" của Vinaconex.
Năm 2017, tỉ lệ cổ tức tiền mặt của công ty là 15% (cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Tuy nhiên, năm 2018, nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, Vinaconex P&C nâng tỉ lệ cổ tức tiền mặt lên 35%. Theo đó, công ty chi gần 199,5 tỉ đồng (tương đương 85% lợi nhuận sau thuế) để trả cổ tức cho cổ đông.
Với tỉ lệ lệ sở hữu 28,02%, Vinaconex nhận về gần 56 tỉ đồng tiền cổ tức từ công ty liên kết này. Số tiền này tương đương 8,7% lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 của Vinaconex.
Kế hoạch trên cả giai đoạn 2019 - 2024, công ty đặt chỉ tiêu duy trì cổ tức 30 - 35%/năm.
Trong bối cảnh nhiều ông lớn mắc kẹt tại các dự án đầu tư ngoài ngành, những kết quả tích cực của Vinaconex P&C vẫn là một tia sáng trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Vinaconex không mấy khả quan.